Old school Easter eggs.

Chia Se logo
Phật học
Bà Chúa Xứ
Lời bàn:

Em thân mến,
Số phận của anh chàng Bu này sẽ ra sao? Ðiều này hoàn toàn tùy thuộc vào nơi anh. Nếu Bu khám phá ra rằng chính mình là nạn nhân của trò chơi lên đồng ấy, rằng sau những lúc trà thiu rượu nhạt ... anh cũng phải trở về đối mặt với con người của anh, một anh Bu tầm thường, vô danh tiểu tốt; nếu anh nhận thấy rằng, anh đang bày trò điên loạn; trong cảnh giới cuồng điên đó anh đã được sự tung hô tán tụng của người điên khác; và nhất là những tham vọng hão huyền đó cũng chẳng thú vị gì cho lắm, thì tại sao anh không trở về với anh Bu khuân vác thường ngày? Dù không được nể vì kính trọng của bàn dân thiên hạ, ít ra anh cũng còn có cái thế giới tỉnh táo chơn thật của một con người tầm thường và bình thường.
Mặt khác, nếu anh không thể nào chấp nhận con người chân thật của mình thì anh cứ bám vào cái vỏ của bà Chúa Xứ, bôi son trét phấn, hò hét, ban phúc giáng họa cho được đông người ái mộ. Tín đồ càng đông thì bà càng phải thiêng ... Và nếu bà Chúa Xứ không còn hợp thời trang nữa thì anh có thể đổi danh hiệu thành bà Ngũ Hành - Cửu Thiên Huyền Nữ, hoặc là cô hay cậu nào đó. Nước đời lắm chìm, nhiều nổi, chúng ta chỉ có thể đoán chắc một điều là, giữa lớp danh vọng, hư huyễn, phù hoa đó, anh chàng Bu sẽ chết lần, chết mòn, thể xác mệt mỏi, tinh thần điên đảo ... Nếu trò chơi cứ tiếp tục thì chung cuộc anh sẽ vào nhà thương dành cho bệnh tâm thần.
Em thân mến!
Câu chuyện trên đây, tôi đã đau xót viết cho riêng mình, nói với em, cũng có nghĩa là tôi độc thoại cho chính mình, vì tôi không tin tưởng rằng một cuộc đối thoại được thực sự cảm thông khi mà chúng ta mỗi người đang ngóng về một hướng, mãi miết đuổi bắt những lý tưởng tận đâu đâu ...
Tôi chỉ muốn hỏi em, đã có những lúc nào em thấy mình giống hệt anh chàng Bu trên đây không? Riêng tôi, tôi còn nhớ rất rõ rằng, thuở bé thơ tôi rất là hồn nhiên, không rõ ràng mình là trai hay là gái, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, giỏi hay dở gì hết ... Tôi sống thỏi mái và vô tư như một chú gà con, thì bổng nhiên, có lúc tôi nghe người chung quanh nhận xét rằng tôi không đẹp bằng chị tôi, không giàu bằng nhà hàng xóm, không giỏi bằng bạn bè chung quanh ... và từ đó tôi dần dần bắt đầu cảm thấy thống khổ kịch liệt khi thấy sao mà mình tầm thường quá đỗi, không có một sở trường gì để tự "lăng xê" mình, làm nổi bật lên trước bàn dân thiên hạ. Rất nhiều đêm tôi niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, cầu mong sao cho mình được đẹp, được sang, được giỏi hơn thiên hạ. Mặt khác, tôi gắng thức khuya, dậy sớm, bỏ ngủ, quên ăn để học cho bằng bè bạn - những người hơn tôi cả tài lẫn sắc, để ít ra mình cũng chứng tỏ được cái khả năng của mình rằng mình không phải là con "số không".
Em ạ! Ðó chỉ là một ví dụ, một phần rất nhỏ trong cuộc đời đủ thứ phức tạp của chúng ta. Ðiều khổ tâm nhất của chúng ta hằng ngày không phải là chuyện sinh già bệnh chết - vì đó là một lý đương nhiên không ai tránh khỏi. Chúng ta thường khốn khổ bức rức vì cái bản ngã của mình, sao mà ta nhỏ nhoi tầm thường quá, không có tí ti nào khả ái, khả kính dưới mắt ta và người chung quanh hết. Những lúc đối mặt với chính mình, ta phải cay đắng mà nhận chân rằng: ta chỉ là một nhân vật quá mức tầm thường, một con số không to tướng. Thế là anh chàng Bu trong ta bắt đầu tham gia vào trò "lên đồng". Từ con số không, tùy theo cơ hội, hoàn cảnh và nhu cầu của người ái mộ chung quanh và chúng ta sẽ thành một cái gì đó. Mỗi người đội một danh hiệu khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở một điểm là: chối bỏ con người tầm thường chân thật của mình để sống với lớp áo của những nhân vật rất mực phù hoa và giả dối.
Và em ơi! Một điều kỳ thú là chỗ chúng ta lẩn trốn, sợ hãi, lại chính là chỗ mà các thiền sư đại ngộ: Lục Tổ há chẳng xác định một cách hùng hồn rằng "bản lai vô nhất vật" đó sao? Dưới bất cứ lớp áo và nhãn hiệu nào, em và tôi đều phải công nhận rằng: trong những phút giây chiếu soi nhìn trở lại mình, ta thấy mình quả là "vô nhất vật", nghĩa là: ta - không - là - gì - cả. Ta không phải là bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành, cô hay cậu gì hết, không là gì hết, nhưng ta vẫn "thấy, nghe, hiểu, biết" rất rõ ràng. Cái khả năng "kiến văn giác tri" đó, chúng ta đều bình đẳng như nhau. Ðây chính là chỗ mà Lục Tổ nói: "Ðâu ngờ tánh mình bản lai thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn đầy đủ cả" đó em!
Khi anh chàng Bu không còn lên đồng nữa, không còn là ông kia bà nọ thì không phải là anh ta chết, mà anh ta chỉ mất: mất hết những gì giả dối, không phải là mình thôi.
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ