Nếu em thấy rằng "bà đồng" của mình hãy còn "thiêng" lắm và thà rằng em đội lốt, mang mặt nạ, chìu theo thị hiếu của bàn dân thiên hạ để được thờ phụng tung hô và được vô vàn quyền lợi phụ tùng khác thì em cứ tiếp tục. Không có ai, sẽ không có ai dám lên án chỉ trích em đâu! Vì lên án một bà đồng cũng có nghĩa là lên án luôn cả quần chúng đang ái mộ, và ai mà dại gì đứng ra chọc giận thiên hạ nhiều như thế. Em có thể yên tâm và tiếp tục.
Nhưng, nếu có hôm nào, quá mệt mỏi với cái trò chơi xốc nổi ấy, mặt nhìn tận mặt, soi lại lòng mình giữa cảnh hoang tàn của trà ôi, rượu nhạt, hoa héo, hương phai; nhìn thấy người chung quanh cũng chán chường, mệt mỏi không kém mình, thì, em hãy thử một lần, làm sống lại con người năm xưa của chính mình, của anh chàng Bu khuân vác thử xem. Ðiều này đòi hỏi nơi em rất nhiều can đảm và hy sinh, vì em sẽ mất hết uy danh, quyền lợi, mất hết những người ái mộ cung nghinh, em sẽ bị xem thường, khinh rẻ; em phải hy sinh hết vàng son phấn sáp, danh lợi cùng uy quyền, để đi may thuê, cuốc mướn, phải đổ mồ hôi, nước mắt mới có ăn.
Thế nhân thường đi tìm sự thật, nhưng sự thật lại quá phũ phàng, không giống như ta hằng mơ tưởng, nên thà rằng, cứ nhắm tít mắt lại để còn có một thế gian hoa mộng, huyền ảo, mê ly.
Câu chuyện này xin dừng lại nơi đây, vì tôi bất chợt nhận ra rằng, dường như tôi đang lên một cơn đồng xuất sắc hơn, hợp thời trang hơn ... và thông thường, đôi khi ta ngỡ rằng mình đã thức giậy, đi ra khỏi cơn mơ, nhưng sau đó thật lâu ta mới vỡ lẽ ra rằng mình chỉ thay đổi tình tiết của giấc mơ mà thôi. Và điều làm chúng ta thấy mình đang lên đồng thật xuất sắc là khi có một hành động nào đó của ta bổng dưng có được nhiều người vỗ tay tán tụng; khi mà từ cái "không", ta trở thành "có", và cái "có" này ngày càng bành trướng nẩy nở ra. Chính những tràng pháo tay đã báo hại chúng ta không ít, nó xui ta cứ tiếp tục ... chiêm bao, để được khen hoài, khen mãi, em có thấy như vậy không? Hèn chi trong kinh Duy Ma Cật, Bồ Tát khuyên ta cứ làm việc đi, làm mọi việc để được lợi mình và lợi người, nhưng phải làm sao để cả "tam luân" đều "không tịch" nghĩa là không thấy có mình, có người và có pháp nữa, chỉ đem thân huyễn mà làm việc huyễn (dĩ huyễn thân tác huyễn sự) mà thôi. Các Ngài khôn quá, phải không?
Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình khó hơn
Chiến thắng ấy tối thượng.
(Pháp Cú 103)
Chỉ có ta làm điều tội lỗi
Chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi
Chỉ có ta gội rửa cho ta
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta
Không ai có thể làm người khác trở nên trong sạch
(Pháp Cú 145)