1. Định Nghĩa
Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả. Hay: Nhân là cái mầm, cái hạt, Quả là hoa trái phát sinh từ cái mầm, cái hạt ấy.
2. Những đặc tính của Nhân Quả
- Nhân nào quả nấy: Nhân và quả không hề trái ngược nhau, thí như trồng lúa thì được lúa, trồng đậu thì được đậu. Cũng vậy, nếu ta làm việc thiện thì được quả an vui; nếu ta làm việc ác thì phải chịu quả báo khổ đau.
- Một nhân không thể sanh ra quả: Mọi vật trong vũ trụ đều do nhiều nhân kết hợp mà tạo thành. Như hạt cam không thể trở thành cây cam nếu không có đất, nước, phân bón, ánh sáng, không khí và bàn tay chăm sóc của người làm vườn,…
- Trong nhân có quả, trong quả có nhân: Quả hiện tại là kết quả của Nhân quá khứ, và chính Quả hiện tại ấy là Nhân sinh ra Quả ở vị lai. Như hạt lúa hiện tại chính là cái Quả của mầm lúa trước đó, nhưng nó cũng là nhân để có mầm lúa trong tương lai.
3. Mối tương quan giữa Nhân và Quả theo thời gian
- Nhân quả đồng thời: Vừa tạo nhân xong là có quả liền, ví như đánh chuông liền nghe tiếng.
- Nhân quả khác thời: gieo nhân rồi nhưng phải đợi một thời gian sau mới có kết quả. Dụ như trồng chanh, cam thì phải đợi đến 2 hoặc 3 năm mới có trái.
- Nhân quả nhiều đời: Là nhân gây tạo trong đời này, nhưng có thể đến sau hoặc nhiều đời sau nữa mới có kết quả.
4. Ứng dụng giáo lý Nhân quả vào đời sống
- Tạo nhiều nhân lành để tránh gặp quả báo xấu.
- Không lầm theo thuyết Thượng đế tạo ra vạn vật.
- Tin mình là chủ nhân của đời mình: hạnh phúc hay khổ đau là do mình tạo nhân thiện hoặc bất thiện.
- Không than thân trách phận, không chán nản, trách móc vô cớ mỗi khi bị thất bại, mà luôn nỗ lực, tinh tấn học tập để vươn lên.
5. Kết luận
Giáo lý Nhân quả là nền tảng đạo đức, luân lý của Phật giáo. Luật nhân quả tác động chi phối toàn thể vạn vật trong vũ trụ vạn hữu. Nhờ nhân quả giúp chúng ta nhận ra rằng: “mình là chủ tể của cuộc đời mình”, để thiết lập một đời sống an vui cho mình và xã hội.