XtGem Forum catalog

Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Sở dĩ thanh niên hiện thời đòi tiêu diệt tính hổ thẹn, vì hiểu hổ thẹn là mắc cỡ. Một thiếu nữ bất ngờ gặp anh chàng thanh niên thì bước đi khóm róm, lời nói ấp úng, lắm khi lại kiếm chỗ trốn là khác. Bởi sự rụt rè nhút nhát ấy khiến con người mất cả tính tự nhiên.

Tại sao người ta lại hay mắc cỡ? Vì những người ấy không có sức tự chủ, một khi xúc cảnh đột ngột, hoặc bị ai chăm chú đến, đâm ra luống cuống, mất bình thường. Như trước con mắt chăm chú nhìn của người, họ phải cúi mặt chẳng hạn. Con người không tự chủ ấy, dù việc phải việc quấy, họ cũng thấy ngại ngùng sợ sệt trước khi nói hay làm.

Hổ thẹn không phải thế. Vì hổ là hổ với mình, thẹn là thẹn với người. Mỗi khi nghĩ đến việc quấy, ta xấu hổ tự trách rằng: Ta là con người có đủ nhân phẩm thế này, được trí khôn thế kia, mà đi làm điều quấy vậy sao? Lại vì e thẹn chúng bạn phê bình, chỉ trích, nên vừa nghĩ đến việc quấy, ta dừng ngay. Vì thế hổ thẹn là then chốt của cánh cửa tội lỗi. Duy thức học liệt hổ thẹn vào nhóm thiện tâm sở. Hổ thẹn là một động lực ngăn điều quấy, dứt những sự lỗi lầm. Nó rất thiết yếu, quan trọng đối với người dứt ác, tu thiện.

Khi có nghĩ sai, làm quấy, mới có hổ thẹn. Nếu không nghĩ sai làm quấy, bao nhiêu người, hoặc ai đi nữa vẫn không có hổ thẹn. Hổ thẹn là di sản của tính tự chủ, tự trọng. Con người tự chủ nên vừa nghĩ quấy là bị lương tâm dầy vò hình phạt ngay. Bởi biết tự trọng nên rất thẹn thuồng, không muốn để ai chỉ trích, quở trách mình. Vì thế, hổ thẹn không có nghĩa là mắc cỡ. Nếu có, chỉ là một khía cạnh nào thôi.

Con người, nếu không biết hổ thẹn thì còn gì nhục nhã bằng. Vì chính họ không biết xấu hổ với những hành vi bất chánh, lại không sợ người phê bình chỉ trích, kẻ ấy còn việc xấu nào mà không dám làm, điều ác nào mà không dám dự. Cá nhân họ ngày càng rơi sâu xuống hố tội lỗi. Không biết hổ thẹn thì có bao giờ họ thức tỉnh ăn năn. Gia đình nào mắc phải một đứa con như thế, thật là đại vô phúc. Kẻ ấy gần ai, người ta đều nhờm gớm tránh xa, như tránh xa con chuột ghẻ. Những việc thương luân bại lý, những việc tàn ác đê hèn hàng ngày diễn ra trong xã hội, đều do những hạng người này chủ động. Nếu trong một xã hội mà có nhiều người như thế, thật là một tình trạng bi đát vô cùng của xã hội ấy. Ðức Phật dạy rằng: "Nếu con người không biết hổ thẹn thì trên thế gian này không còn biết phân biệt cha mẹ, anh, em, lớn, nhỏ cùng với loài cầm thú không khác." -- (Kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Tàm Quí)

Trái lại, người biết hổ thẹn là người cao thượng, liêm khiết. Do biết hổ thẹn đối với bản thân, người ta cố tránh lỗi, dứt quấy để bảo tồn danh dự cá nhân mình. Như cậu A một hôm thấy bạn bỏ quên cây bút chì trên bàn học, cậu định ý lấy giấu để xài. Nhưng cậu bị lòng hổ thẹn quở trách: mình như thế này mà tham à! Nếu bạn nhìn thấy cây bút chì thì phải nói làm sao? Và còn mặt mũi nào thấy chúng bạn... Vì thế, hôm sau vào lớp, A đem cây bút chì trả lại cho bạn.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ