Polly po-cket

Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Lại nữa, người hay nhẫn nhục là đã tạo cho mình một nghị lực phi thường, thắng cả nội tâm và ngoại cảnh. Phật dạy: "Người hay nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc hữu lực đại nhân." (Kinh Phật Di Giáo) Thật vậy, bậc đại nhân bao giờ cũng kiên nhẫn, bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Chỉ có bọn vũ phu mới nóng nảy hấp tấp, làm việc theo nộ khí nhất thời.

Xét qua sự nhẫn nhục, em đã thấy rõ chỗ quí, tiện và lợi hại thế nào rồi. Giờ đây mời em bắt tay vào việc tập luyện hạnh nhẫn nhục. Có thực tập em mới thấy sự lợi ích thiết thực của nó. Ðối với tuổi thiếu niên mà thiếu nhẫn nhục thì không mong thành công, lập nghiệp gì cả. Bởi vì trong lúc thiếu thời, sống về tình cảm hơn lý trí, nên phải tập nhẫn nhục để hạn chế bớt sự sôi nổi bồng bột trong lòng.

Hơn nữa, tuổi thiếu niên em chưa từng nếm mùi cay chua của cuộc đời - nếu có cũng chút ít thôi - nên kinh nghiệm đời em chưa có, vì thế tâm em dễ hăng hái, cũng dễ chán nản. Tập nhẫn nhục sẽ giúp em có đủ thì giờ cho lý trí làm việc, nhẫn nhục sẽ tập cho em có tính bền dẻo khi va chạm cuộc đời. Vì thế đời niên thiếu của em rất cần có nhẫn nhục.

Muốn đạt được hạnh nhẫn nhục, em cần phải quán từ bi. Vì có nước từ bi mới dập tắt được ngọn lửa nóng giận. Từ bi sẽ giúp em hăng hái hoạt động, kiên nhẫn vượt mọi khó khăn để thành công trên công trình lợi tha viên mãn.

ĐẠO PHẬT VÀ TUỔI TRẺ  

Hòa thượng Thích Thanh Từ 

 

-11- 

Tuổi trẻ với lòng Từ Bi 

Ðang độ hoa niên lòng tràn đầy vui vẻ, em nhìn cảnh chung quanh đều hiện bày một vẻ tươi sáng đáng yêu. Nét yêu đời biểu lộ trong đôi mắt sáng, trên đôi môi nở nụ cười của em. Em tự thấy cùng mọi người, cùng vạn vật như chung niềm hoan hỉ. Vì thế, lòng yêu thương của em tràn trề vô hạn.  

Tuy nhiên, mỗi lần có kẻ đau khổ hiện ra trước mắt em, em tự nghe cõi lòng se lại, mặc dù kẻ ấy không phải bà con thân thuộc của em. Rồi em muốn làm sao cho họ hết khổ, cho họ cùng vui như em. Ấy là "lòng từ bi" đã chớm nở trong lòng em vậy. Em hãy cố gắng vun quén cho nó sanh trưởng sum suê lên.

Nghe nói từ bi, nhưng em chưa hiểu nghĩa thế nào. Ðây, em hãy nghe: Từ bi là lòng thương bao la, lúc nào cũng sẵn sàng san sẻ những nỗi đau khổ của người và đem hạnh phúc an vui cho họ. Lòng thương ấy gieo mầm trên đất khổ đau và sanh trưởng trong ánh sáng trí tuệ. Vì thế, ai mang nặng lòng thương này thì không bao giờ an nhiên khi nhìn kẻ trước mắt mình đang âm thầm nuốt lệ hoặc đang rên siết kêu thương, mà họ nguyện chia sớt, gánh vác cho người vơi đi, nhẹ bớt đôi phần đau khổ.

Lòng thương ấy chẳng phải của riêng ai, mà là chung tất cả. Như trước mắt mọi người, một kẻ cô thế bị bọn côn đồ hoành hành, đánh đập thảm hại, trông thấy cảnh ấy, dù người khô khan thế nào, cũng nghe trong lòng chua xót! Hoặc giả hôm nào đó, em đến hí trường xem một vở bi kịch. Ðến lúc hoạn nạn đau khổ của những vai trên sân khấu, em cũng như người cảm nghe tim đập mạnh, giòng lệ tự nhiên trào!

Nhưng em sẽ nghi ngờ! Tại sao người ta đã sẵn lòng thương yêu nhau khi hoạn nạn, mà trong xã hội hiện tại lại có những kẻ làm nhiều việc táng tận lương tâm, gây cho người một cuộc sống đầy máu và lệ?

Em ạ! Ấy là lòng thương của họ bị hướng dẫn sai đường. Dĩ nhiên lúc thiếu thời, ai cũng có lòng thương rộng rãi, nhưng lớn lên lòng từ bi thu hẹp lại, đặt vào cái khung nhỏ bé, đôi khi bị pha trộn với sự đen tối thành ra mù quáng. Ấy là họ chỉ thấy có vợ, có con và cá nhân họ... , bao nhiêu tình thương đều dồn cả vào cái khung nhỏ hẹp ích kỷ ấy. Mặc ai kêu khóc, mặc ai thở than đều không làm lay chuyển được họ. Thế rồi, để được lòng người yêu, để thỏa mãn cá nhân, họ có ngại gì giày đạp trên hạnh phúc kẻ khác.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ