Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Nếu anh muốn giữ cho tròn trắng sạch, cố nhiên anh phải chạy. Cũng vậy, muốn toàn vẹn lẽ phải, em nên nhịn kẻ quấy, đợi qua cơn nóng giận của họ, em sẽ phân giải thì kết quả hơn.

Hoặc giả em là người tốt, kẻ xấu thấy ganh ghét em, họ đến mạ nhục em, khi ấy em nên coi lời mạ nhục như cơn gió thoảng, không cần chống đối. Kẻ mang việc xấu đến; họ sẽ tự chịu xấu lấy. Phật dạy: "Kẻ ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời, trở lại rơi trên mình, như ngược gió tung bụi, bụi chẳng tới người, trở lại làm nhơ mình..." -- (Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

Khi bị mạ nhục, nếu em không dằn được cơn nóng giận, tức nhiên em chửi mắng đánh đập lại họ. Rồi cứ thế mãi, họ vay, em trả; vay trả, trả vay không bao giờ dứt. Như Xoài mắng Ổi, Ổi đánh Xoài. Xoài tìm cách trả thù, Ổi lo phương báo oán, oán thù không biết bao giờ hết. Chi bằng ta áp dụng câu: "Oan gia nên mở không nên kết" (Khổng Tử) hoặc câu: "Lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt" (Phật dạy), thì nhẹ nhàng rảnh rang biết mấy.

Tuy nhiên, nói thế em sẽ ngờ rằng: Nhịn họ e họ sẽ cho mình là khiếp nhược? - Không! Không phải thế đâu! Em không nhớ Hàn Tín chịu lòn trôn tên du đãng tại chợ Hoài Âm đó sao? Chịu nhục như vậy mà sau này ai dám chê Hàn Tín là khiếp nhược? Nếu có, ấy chỉ là bọn vũ phu thiếu trí mà thôi. Em là người cao thượng có chí lớn, em nhịn những lời nhục mạ của bọn bất lương, không phải vì em sợ họ mà chính vì cái chí lớn của em. Như em có cái chén kiểu quí, có người đem muỗng dừa hay bát sành đến chọi thử với chén quí của em. Khi ấy, em nên chọi hay nên nhịn thua họ?

Thảng hoặc, em cho rằng nhịn họ để bảo vệï tính tốt, lẽ phải và chí lớn của mình, để mặc tình họ gây tội ác, như vậy tỏ ra mình ích kỷ tiêu cực, không có tinh thần xây dựng cho người? Không phải nhịn họ là ích kỷ đâu em! Nhịn là phương pháp lợi người toàn vẹn. Vì khi người ta nóng mới thóa mạ em, khi ấy em cũng nóng, chống đối lại họ. Hai cái nóng cùng gặïp nhau thì phải nổ. Như vậy khi nóng giận chống đối người, không có nghĩa là xây dựng họ, mà chính là gây oán thù. Nếu ai nói: "Tôi chống lại là vì tôi thương, muốn cải thiện giùm họ", ấy là lấy lời nhân nghĩa để che đậy cái tính xấu nóng nẩy của mình.

Chẳng những ta nhịn chịu sự nhục mạ, mà còn phải nhịn chịu sự khó khổ. Bởi vì con người sanh trên đời, không phải đến đâu cũng gặp toàn tháp ngà và nhung gấm, mà phải đương đầu với phong ba bão tố. Nguời có sức nhịn chịu được những trở ngại mới mong đạt được kết quả tốt đẹp cao quí. Bằng không nhịn được, dễ sanh nản lòng thối chí. Dù người có sức mạnh cử nổi trái tạ ngàn cân, có tài chọc trời khuấy nước, mà không có chí kiên nhẫn, khi gặp sự thất bại dồn dập đến mình thì nhăn mày, héo mặt, con người ấy không làm nên việc gì đáng kể. Trái lại, người yếu đuối, tài lực tầm thường mà bền gan chịu đựng, mỗi lần vấp ngã chỉ xem đó là một kinh nghiệm, càng thất bại nhiều thì kinh nghiệm càng giàu, chí càng dẻo dai bền vững, con người thế ấy không việc gì làm chẳng được. Có vị Tỳ-kheo hỏi Phật: "Cái gì mạnh hơn cả?" Phật dạy: "Nhẫn nhục mạnh hơn cả."(Kinh Tứ Thập Nhị Chương) Thật vậy, chỉ có người nhịn chịu được mọi khó khăn, vượt qua mọi trở ngại mới mong lập được sự nghiệp vĩ đại trên đời.

Bị nhục mạ, gặp cảnh trở ngại tuy khó nhịn, nhưng người ta dễ biết đề phòng, nên có thể nhịn được. Ðược ngợi khen, gặp việc thắng thế là điều tốt, thỏa thích ý mình, nên ít ai để ý dè dặt, do đó mặc tình tâm phóng túng, gây họa rất to. Như xe vào đường hiểm nguy không lật, mà thường lật ở đường thẳng.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ


The Soda Pop