Polly po-cket

Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Hạng người chán đời vì thấy xã hội mục nát, quyết thay cũ đổi mới: Hạng người này lòng thương không bờ bến, nhìn thấy sự lầm than đen tối của đồng bào, của nhân loại, quyết hy sinh đời mình để khỏa bằng những hầm hố chông gai, đưa nhân loại đến nơi vinh quang an lạc. Những vị điển hình của hạng người này:

- Ðức Khổng Tử, vì chán cái xã hội mục nát của thời Xuân Thu nên quên nhọc nhằn, nay ở Lỗ mai về Vệ cho đến Tống, Trần... và chịu vất vả ngồi dạy học trò, biên chép kinh sách để mong vãn hồi Nhân đạo.  

- Ðức Jésus Christ, vì chán sự cai trị khắc nghiệt của người La Mã, chế độ giai cấp bất công của đế quốc Do Thái, nên không nệ vào tử ra sanh đi giảng đạo Bác ái.

- Ông Tôn Văn, vì chán cái xã hội hủ bại của nhà Thanh, nên mới vận động cách mạng khởi nghĩa năm 1911 để thành lập Tam dân Chủ nghĩa.

- Ðức Thích-ca, vì chán giai cấp bất bình đẳng của Ấn Ðộ thời ấy, chán lòng sân hận thù oán của loài người, chán cái si mê mù mịt của chúng sanh, nên vất bỏ cả ngai vàng ngôi báu, lìa vợ đẹp con yêu, ngót mười một năm tìm đạo trải qua nghìn vạn hiểm nguy. Sau khi đã thấy đạo, được phương pháp cứu khổ chúng sanh, Ngài dãi dầm sương nắng ngót bốn mươi chín năm, đem tinh thần bình đẳng thay cho giai cấp bất bình, lấy từ bi thay cho sân hận oán thù, dùng trí tuệ thay cho si mê mù mịt. Thế là, Ngài đã cải thiện xã hội bất công đen tối của loài người, trở thành xã hội lành mạnh tốt đẹp cho toàn thể dân sinh.

Tóm lại, sống trong cảnh khổ mà không tự biết, cứ say sưa theo dục lạc khói mây là kẻ mù quáng. Ôm lòng tham trèo lên cây thang danh vọng, tài, sắc... rủi trượt chân đổ ngã, dập đầu toác trán, mới nhận ra nỗi khổ, nhưng chỉ biết kêu khóc, oán hờn là kẻ khiếp nhược. Nhận chân sự khổ rồi đem hết khả năng hoán cải xây dựng biến khổ trở thành lạc là bậc Thánh nhân, là người giác ngộ. Như thế, ta ngại gì không dám thừa nhận người tu là "chán đời", đạo Phật là "đạo chán đời". Chán để xây dựng, để đem hạnh phúc cho chúng sanh ; chớ không phải chán để khóc than, thù hận như họ lầm hiểu. 

ĐẠO PHẬT VÀ TUỔI TRẺ  

Hòa thượng Thích Thanh Từ 

 

-06- 

Thế nào là anh hùng? 

"... Chí những toan xẻ núi lấp sông,  

Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ..." - Nguyễn Công Trứ 

Bạn là một thanh niên, bạn có chí khí anh hùng, và bạn tưởng tượng bạn sẽ là anh hùng. Vâng! Bạn sẽ là anh hùng. Nhưng phải làm thế nào để thành một "anh hùng thật sự". Tôi nói anh hùng thật sự, để bạn khỏi lầm những anh hùng chỉ có tên, có tiếng, có oai ở bên ngoài.  

Ðể dễ bàn luận, chúng ta cần hiểu nghĩa căn bản của hai chữ anh hùng. Anh hùng là gì? - Anh hùng là người tài năng xuất chúng, công to, đức cả khiến mọi người đều kính phục.

Thế mà giữa xã hội này, mỗi người quan niệm anh hùng theo mỗi cách. Do đó nên khi ngồi chung nhau thảo luận, thì mỗi người đều tự vỗ ngực xưng ta đây là "anh hùng".

Bác Phó vào xóm rượu trà, cờ bạc tiền lưng hết sạch mà lại say sưa, ngã bờ té bụi. Về nhà vợ con cằn nhằn, bác lại nổi giận đùng đùng, trợn mắt phùng mang, đánh đập vợ con chạy tứ tán. Ra oai như vậy, bác thấy bác là anh hùng.

Anh Hảo, trước mặt các cô thiếu nữ, anh vãi tiền như cát để mua một trận cười. Và lúc đó, nếu có ai bình phẩm hành động cuồng dại của anh, anh quyết một mất một còn tranh hùng với kẻ ấy, để cho những nàng tiên kia thấy chí khí và tài năng của anh. Ở trường hợp này, anh xem mạng sống nhẹ hơn bong bóng. Và dù phải lao mình vào hang beo, miệng cọp, anh cũng coi thường. Vì anh cho làm được như thế là anh hùng.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ