1. Định nghĩa
- Bát là 8. Quan là cánh cửa. Trai là thanh tịnh, không ăn quá giờ Ngọ. Giới là những điều Phật chế ra để ngăn ngừa tội lỗi.
- Bát Quan Trai Giới là phương pháp tu tập của người Phật tử tại gia trong một ngày một đêm, thực hành theo 8 giới pháp để đóng 8 cửa tội lỗi, mở ra 8 cửa giải thoát an lạc.
2. Thành phần của Bát Quan Trai Giới
- Không sát sanh: Không giết hại sinh mạng chúng sanh.
- Không trộm cắp: không lấy vật dụng của người khác nếu họ không cho.
- Không tà dâm: sống chung thủy với vợ (chồng) của mình.
- Không nói dối: không nói sai sự thật.
- Không uống rượu: không uống rượu hoặc sử dụng các chất làm mê mờ tâm trí.
- Không trang điểm đua đòi, xoa ướp dầu thơm, múa hát ca ngâm.
- Không ngồi giường cao tốt, sang trọng.
- Không ăn phi thời, quá giờ Ngọ (11-13 giờ)
3. Thời gian và phương pháp tu tập
a. Thời gian:
- Có thể tổ chức Bát Quan Trai Giới cho Phật tử tu tập một ngày một đêm thanh tịnh vào các ngày: mùng 1, 8, 14, 15, 23, 30 âm lịch, hoặc mùng 2, 7, 9, 13, 16, 22, 24, 29 âm lịch.
- Có thể uyển chuyển thời gian, tổ chức vào Chủ Nhật hoặc một ngày khác trong tháng.
b. Phương pháp tu tập:
- Phật tử đến Chùa, thỉnh chư Tăng truyền 8 giới pháp để hành trì.
- Nếu ở địa phương không có Chùa và chư Tăng, Phật tử có thể tự đối trước Tam Bảo phát nguyện thọ giới.
- Phật tử giữ gìn thân tâm thanh tịnh trong 24 giờ (một ngày một đêm).
- Nội dung tu tập tùy thuộc vào tình hình thực tế của nơi tổ chức như: tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, nghe pháp,…
4. Kết luận
- Người giữ gìn Bát Quan Trai Giới thì thân, khẩu, ý thanh tịnh.
- Chính bản thân không tạo nghiệp ác, mang lại niềm an vui, lợi ích cho mọi người và xã hội.
- Kinh Ưu Bà Tắc dạy: ai thọ trì đầy đủ Bát Quan Trai Giới, người ấy được vô lượng an lạc, có thể đạt đến cảnh giới Niết Bàn giải thoát.