Ðây là một câu chuyện thật đau lòng xẩy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chuyện kể về một người lính trẻ Hoa Kỳ trở về nhà sau khi tham chiến tại Việt Nam. Từ thành phố San Francisco người lính trẻ gọi điện thoại về nhà cha mẹ. "Cha mẹ ơi, con đang trở về nhà, nhưng con có một điều xin cha mẹ. Con có đem theo một người bạn thân." "Ðược", cha mẹ người lính trẻ trả lời bên kia đầu giây điện thoại, "Cha mẹ thích nó đi cùng con về đây và muốn được gặp nó." "Nhưng có một điều con muốn thưa với cha mẹ," người con nói tiếp, "bạn con bị thương tích trầm trọng trong lúc giao chiến. Nó dẫm phải mìn, mất một cánh tay và một cẳng chân. Nó không có nơi nào để ở, và con muốn nó về ở chung với gia đình ta." "Con ơi! cha mẹ rất tiếc khi nghe điều đó. Chúng ta có thể giúp nó tìm một nơi nào đó cho nó ở." "Không, con muốn nó về ở với con, với gia đình ta." "Con," người cha nói, con không biết con đang nói cái gì. Một người tàn tật sống với gia đình chúng ta, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Chúng ta có một đời sống riêng, và chúng ta không thể để việc đó ảnh hưởng đến đời sống chúng ta. Cha mẹ nghĩ rằng con nên về nhà và quên đi người bạn này. Bạn của con sẽ có thể tự tìm cuộc sống cho chính nó." Nghe đến đây người con chết lặng người, không thể nào nói thêm được điều gì nữa và cúp máy điện thoại. Người cha không còn nghe thấy gì nữa.
Vài ngày sau đó, cha mẹ người lính trẻ nhận được điện thoại từ sở cảnh sát San Francisco báo tin người con của họ đã chết sau khi rơi từ trên lầu một cao ốc. Cảnh sát tin là nạn nhân đã tự tử. Cha mẹ người con đau khổ đáp máy bay đến San Fransisco, vào thẳng nhà quàng thành phố nhận diện xác con. Họ xác nhận nạn nhân chính là đứa con trai yêu quý của họ, mà họ mới nói chuyện với nó vài ngày trước đây. Nhưng đau đớn thay, họ đã khám phá ra một điều mà họ đã không biết, đứa con trai của họ chỉ có một chân và một cánh tay!!
Dưới đây là lời bàn của người kể lại chuyện này:
Cha mẹ người lính trẻ trên đây cũng giống như số đông chúng ta. Chúng ta chỉ thích yêu những người đẹp đẽ, khỏe mạnh, cơ thể lành lặn hay những cái gì vui thích chung quanh chúng ta. Chúng ta không thích những người có thể gây rắc rối và phiền phức đến chúng ta. Chúng ta thích xa lánh những người bệnh hoạn, ốm đau, tật nguyền, ngu xi, đần độn. Cảm ơn đến những người không có tâm như vậy. Có những người mở rộng vòng tay thương yêu đón nhận chúng ta vào gia đình họ, không điều kiện, không màng đến hậu quả có thể xảy ra sau đó. Ðêm nay, trước khi đi ngủ, hãy nguyện cầu cho chúng ta có khả năng chấp nhận những hoàn cảnh tương tự, và giúp chúng ta thấu hiểu những người khác biệt hoàn cảnh với chúng ta...
Dưới đây là lời bàn của Hoa Sen:
Theo tinh thần đức Phật dạy về "vô duyên từ", nếu như người cha trong câu chuyện trên xem người bạn của con trai mình như con mình, mà đưa vòng tay ra đón nhận, thì sẽ không đưa đến cái chết thảm khốc cho người con.
Ðối với đạo Phật, cái chính là tinh thần từ bi bình đẳng. Từ bi bình đẳng là một trong những đặc điểm nổi bật và quan trọng nhất trong Phật Giáo. Theo tinh thần này thì tất cả mọi chúng sinh hữu tình đều bình đẳng, đều có giác tánh, và sẽ thành Phật trong tương lai . Quả vậy, người Phật tử phải có tâm từ bi bình đẳng với mọi loài chúng sinh hữu tình, xem chúng như là chính mình, như là cha mẹ anh em thân bằng quyến thuộc của mình, không nên có bất luận sự phân biệt kỳ thị nào, không thấy có sự khác biệt giữa mình và chúng sinh khác, dầu đó là một con vật hay một người câm điếc, hoặc một kẻ tàn tật xấu số. Người Phật tử không có kẻ thù nghịch hay kẻ xa lạ, không có người thân và kẻ sơ. Do vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, đối với bất cứ ai, bất cứ con vật gì bị khó khăn hoạn nạn, chúng ta vẫn luôn luôn giúp chúng, gần chúng để chia vui bớt khổ, để san sẻ tình thương.