Xưa, có một chú bé bị mù cả hai mắt, mỗi khi đi đâu chú đều cầm gậy dò đường. Ngày và đêm, chú đều phải sống trong bóng tối như nhau. Một hôm, chú bé đến thăm bạn, lúc ra về trời đã tối, người bạn đốt một chiếc lồng trao cho chú, chú bé cười nói:
- Tối hay sáng đối với tôi đều như nhau, anh trao đèn cho tôi làm gì?
- Ðành rằng anh không cần đèn, nhưng người khác nhờ cây đèn này mới không đâm bổ vào anh chứ.
Chú bé mù cầm đèn ra về. Ði được một quãng chú bị người khác đụng phải, chú bé tức giận quát:
- Bộ đui sao mà không thấy cây đèn của người ta?
Người kia cười to:
- Ðèn của anh tắt rồi, anh đui ơi!
Em thân mến:
Giá trị của cây đèn là do ánh sáng. Thiếu ánh sáng, thì cây đèn chỉ là một vật vô dụng mà thôi.
Một pháp môn hay, quí nhất là ở chỗ nó giúp cho hành giả thấu rõ thực tướng của mình và muôn pháp, tiêu sạch phiền não, đem lại an lạc cho mình và người chung quanh.
Nếu chúng ta cứ cho rằng mình đã dự vào hàng ngũ xuất gia, thuộc vào hàng tông môn chánh phái, Thầy Tổ là những bậc chân tu lỗi lạc, bạn bè mình toàn là những hạng anh tài xuất chúng ... chúng ta đã được học những pháp môn tối thượng thừa cao siêu hi hữu. Và chúng ta cho thế là đủ, sanh tật khen mình, chê người, phiền não mỗi ngày một tăng trưởng ... thì coi chừng! Chúng ta sẽ giống cậu bé mù kể trên đây. Cầm một cây đèn lồng thật tốt, thật đẹp, nhưng ... tắt queo cho mà coi. (1983)