Old school Swatch Watches

Chia Se logo
Phật học
Bát Báu Của A Tu La
Tương truyền rằng A Tu La là một loài chúng sanh ở khoảng giữa loài người và loài trời. Nam A Tu La thì hung bạo xấu xí, còn nữ A Tu La thì trái lại cực kỳ xinh đẹp.
Các tôn giả A Tu La cũng có phước báo như chư Thiên, nghĩa là không phải lao động vất vả như chúng ta mà vẫn có ăn. Mỗi A Tu La đều có một chiếc bát báu. Ðến giờ ăn, tùy theo phước báo của từng A Tu La mà thức ăn hiện ra trong bát báu, màu sắc và hương vị khác nhau, không có ai có thể ăn ké của ai được hết.
Ðiểm đặc biệt của dân chúng A Tu La là họ rất dễ nổi giận. Vì vậy, mà hầu hết đàn ông con trai A Tu La đều dùng thì giờ rảnh rang để đánh lộn với chư Thiên, thay vì trồng trọt, mua bán như loài người. Phụ nữ A Tu La thì không bận nấu nướng giặt giũ, tề gia nội trợ như phụ nữ của loài người, nên rất ư là diễm lệ.
Nhưng mà ... ấy chứ! Xin các tôn giả loài người chớ nghe nói thế mà phát nguyện xin về thế giới của A Tu La.
Cũng theo tương truyền, chiếc bát báu của loài A Tu La là một vật dụng kỳ dị, nghĩa là trong giờ ăn, khi các tôn giả A Tu La "xực phàn" một cách ngon ơ ... thì bỗng dưng thức ăn của họ biến thành đồ bất tịnh, đầy dẫy những bùn đất, dòi bọ ... Vì thế, các A Tu La cảm thấy nhàm chán, thống khổ kịch liệt khi khám phá ra mình đang ngậm và nhai những của quỷ ấy.
Như thế, loài A Tu La chỉ ăn được có nửa bát báu mà thôi. Nếu kẻ nào húp đến cạn tàu ráo máng thì không sao tránh khỏi tình trạng trên.
Lời Bàn
Em thân mến, truyền thuyết trên đây hư thật thế nào chúng ta chưa rỏ được, nhưng em có nhận thấy rằng, loài người chúng ta cũng chỉ hưởng được có một nửa hạnh phúc trần gian, hệt như chiếc bát báu của loài A Tu La chăng?
Từ lúc chúng ta chào đời, thân bằng quyến thuộc đầy đủ, nhà cửa sung túc, cầu được ước thấy ... , đó chính là nửa bát trên. Và nếu phần trên ngon ngọt dễ chịu bao nhiêu thì phần dưới lại cay đắng ê chề bấy nhiêu. Ðó chính là lúc chúng ta vật vả khóc than chôn cất hết người thân nầy, đến người thân khác. Ðó cũng chính là lúc mà chúng ta phải đối diện với cái già, cái chết, cùng những tai biến thình lình xảy đến. Cũng giống hệt như loài A Tu La, chúng ta không biết phải nên dùng đũa lúc nào để khỏi ăn nhằm đồ bất tịnh.
Mỗi lần với được ngũ dục là chúng ta hưởng thụ một cách mê ly, cho đến bao giờ bị chúng làm cho đau khổ khốc liệt, nuốt không xong mà nhả chẳng ra ... đợi đến lúc ấy, chúng ta mới chịu dừng đũa thì ôi thôi, quá muộn rồi!
Các thứ tình đời, tình bạn, tình yêu ... đều là những món nhấm khó chịu như thế cả, em có thấy vậy không? Hãy thử nhìn các cặp tình nhân mới yêu nhau thì biết; khóe mắt, làn môi, giọng cười, tiếng nói ... của họ đều biểu lộ một niềm hỷ lạc, hạnh phúc sung mãn tràn trề. Ðó là nửa bát trên. Và sau đó, em hãy cố gắng nhìn tiếp, khi họ bắt đầu hằn học, tru tréo, chửi rủa, đánh đập ... tìm đủ cách hành hạ nhau cho thỏa tức, đó là nửa bát dưới.
Ðiều oái oăm nhất là loài người chúng ta cũng như loài A Tu La, không ai tìm được ranh giới phân chia giữa khoái lạc và đau khổ để có thể dừng lại kịp thời. Trong lúc đang hưởng hạnh phúc, nếu có ai ngăn cản, bắt chúng ta dừng lại, đương sự sẽ đòi ... uống thuốc tự vận ngay! Và thật là tội nghiệp, khi người ta đang phản đối ầm ĩ, tìm đủ trăm phương ngàn kế để tiếp tục hưởng món ăn ngon thì ... đùng một cái, thức ăn hoá thành độc dược!
Nhận chân được điều đó, đức Phật khuyên chúng ta rằng: "thọ là khổ", nghĩa là cảm giác nào cũng khổ hết, kể cả cảm giác gây khoái lạc, vì bản chất của chúng ta là sinh diệt vô thường. Và Ngài cũng dạy chúng ta rằng chỉ nên thọ dụng khi có nhu cầu cần thiết, cốt sao cho diệt được thọ khổ, mà đừng để nảy sinh thọ lạc, nghĩa là nên dừng lại cho kịp thời. Nhưng dừng lại nơi đâu nhỉ? Thưa, ở nơi nào chúng ta thấy có đắm trước, trìu mến, lưu luyến ... thì phải một, hai, ba ngừng ngay lập tức. Nguyên tắc thì như thế đó, nhưng khi thực dụng thì còn tuỳ theo sự khôn ngoan, mê hay tỉnh của từng người. Nhưng mà có rất nhiều chúng sanh đã từng nguyện rằng: "thà sống bên nhau để được gây gổ đánh đập hoài hoài, còn hơn là cô đơn gối lẻ ... !" nghĩa là họ tình nguyện nốc chén của mình cho đến giọt cuối cùng đó, em ạ!
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ