Tu viện ở cách xa đường tráng nhựa, tận cùng trong một thôn xóm hẻo lánh, nên khách thập phương đến viếng chùa thường ngao ngán và bị lạc đường, vì lối vào chùa là một con đường có nhiều ngã ba.
Theo lời yêu cầu của nhiều người, chư Sư cho cắm các bảng chỉ đường tại các lối rẽ.
Từ khi có bảng chỉ đường, số người lạc đường lại tăng lên gấp bội, ngay cả những người đã đến chùa nhiều lần. Chư Sư ngạc nhiên nên mở cuộc điều tra ... thì ra các chú mục đồng tinh nghịch đã thừa lúc vắng người, đem bảng chỉ đường cắm sang lối khác.
Chư Sư liền mang tấm bảng chỉ đường về chùa cất.
Em thân mến!
Tấm bảng chỉ đường vẫn còn đó, chữ đẹp và rõ ràng trên nền sơn còn mới. Nhưng lại bị một bàn tay chơi xấu hướng về một lối đi sai ... thì phải được dẹp bỏ gấp. Vì chẳng những nó đã không làm tròn bổn phận, mà còn làm sai lạc cho những người quen lối nữa. Trong trường hợp ấy, duy trì bảng chỉ đường là một điều ngu xuẩn, em có thấy như thế không?
Vậy thì em đã hiểu rõ tại sao tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, người khai đường cho Thiền Tông Trung Hoa đã tuyên bố: "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật".
Thiền Tông không câu nệ vào văn tự kinh điển, không phải vì chư Sư xem thường lời Phật dạy. Nhưng trong trường hợp này, kinh điển giống như những tấm bảng chỉ đường, đẹp và rõ ràng thật đấy ... song đã bị những bàn tay tinh nghịch đổi chỗ mất rồi ... thì đành phải "truyền riêng ngoài giáo vậy". Em có thấy như thế không?
29.04.1985