Teya Salat

Chia Se logo
Phật học
Ba Câu Hỏi Của Ðức Vua
Hỡi ôi! Tại sao trong hiện tại chúng ta nhẫn tâm lợi dụng sức lao động của bạn bè mình, để làm một bàn đạp tiến thân, tiến đến quả vị Phật, Tổ ... là những quả vị không còn dấu vết của bản ngã và những phụ tùng của nó là tham, sân, si! Chúng ta thản nhiên nhắm mắt làm ngơ trước những công việc cần thiết cấp bách cho mình và cho người chung quanh, để chỉ lo thực hiện cho kỳ được những hoài vọng của cái bản ngã đa sự của chính mình, với một lời hứa hẹn trấn an lương tâm là: "Chừng nào thoát nhiên đại ngộ, hay thành Phật chẳng hạn, tôi sẽ độ cho quí vị hết trơn, hết trọi" và chúng ta sẽ nhủ thầm rằng: "Còn bây giờ quí vị nên làm công quả cho tôi ... chuyện tu hành khó khăn dữ lắm, cần phải có những căn cơ siêu việt mới có thể đảm đương nổi (như tui đây chẳng hạn) ... chừng nào cuộc thí nghiệm của tui thành công, công lao của quí vị sẽ được đền bù gấp trăm, gấp nghìn lần ..."
Em thân mến,
Trong kinh Kim Cang, Ngài Tu Bồ Ðề có hỏi Phật rằng: "Những người thiện nam hay thiện nữ khi đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi thì làm sao hàng phục được tâm mình?" Ngài đã đại diện cho chúng ta, nêu lên cái nguyện vọng, nỗi băn khoăn nghìn đời là: "Làm thế nào để con được thành Phật?" Câu trả lời của đấng đạo sư đã khiến ta bối rối hết sức:
- Con nên độ cho hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn mà không thấy có một chúng sanh được diệt độ ... Câu đáp trở thành khó hiểu khi chúng ta ngỡ rằng "thành Phật" tức là thành một "đấng" gì đó cao hơn hết thảy chúng sanh, một "khối" gì đó ... chẳng hạn ... Còn nếu chúng ta chỉ hiểu một cách giản dị rằng: Phật chính là sự giác ngộ, thì thành Phật tức là thành một chúng sanh giác ngộ. Nhưng giác ngộ cái gì mới được chớ?
- Thưa, giác ngộ rằng "bản ngã" không thật, không bền, không có ...
Nỗi bận tâm duy nhất và tha thiết nhất của chúng ta là cái "bản ngã" của chính mình ... Từ lâu, chúng ta mê mải tìm cầu ngũ dục, cho nó hưởng thọ ... Không ngờ, cái dư vị của ngũ dục quá đắng cay khiến chúng ta đâm hoảng và thay vì si mê, tham đắm ngũ dục chúng ta lại xoay qua mê tu, tham đắm Niết bàn, giải thoát. Ðối tượng có thay đổi nhưng lòng tham lam, tính toán vẫn còn đó. Ngày xưa, chúng ta bon chen, thủ lợi, giành giật ngũ dục ra sao, thì bây giờ ta cũng tính toán để tóm cho bằng được cái Niết bàn, hay quả Phật hệt như vậy.
Thế nên, nếu đức Phật đưa ra một đường lối, một phương pháp để đạt Niết bàn thì chúng ta sẽ chịu lắm! Ta sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả ... để giật cho được cái Niết bàn lè lẹ kẻo ... thiên hạ phỏng tay trên. Vì thế, câu trả lời của đức Từ Phụ đã làm cho chúng ta chưng hửng và thất vọng biết là bao! Hỏi làm cách nào để được giải thoát, Ngài lại bảo: "Hãy lo độ sinh đi thì tức khắc tâm con được an". Tâm an tức là giải thoát.
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ