Có bao giờ bạn thấy rằng dù chung sống với bao nhiêu người, ta vẫn cô đơn như một mình, dù nói chuyện huyên thuyên suốt ngày, mà mình vẫn như câm nín? Ngày trôi qua như mơ, đêm đến tràn mộng mị.
Quyển truyện này được soạn ra từ những cơn mơ bất kể đêm ngày như thế, là lời độc thoại của kẻ chiêm bao tự nói với mình hơn là độc giả.
Thiền Viện Viên Chiếu 06 tháng 8 Nhâm Tuất 1982
Như Thủy
Thuở xưa, có một vị vua thuộc vào hàng minh quân, ngài thương dân như con đẻ, nhưng dù là minh quân, ngài vẫn không sao tránh được một ít lỗi lầm đáng tiếc.
Lúc tuổi đã cao, nhà vua nghĩ rằng giá mà thời niên thiếu, ngài được các bậc hiền tài chỉ dẫn cho ba điều thắc mắc sau đây thì có lẽ ngài sẽ tránh được rất nhiều khuyết điểm. Ðó là những nghi vấn sau:
1. Thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc?
2. Nhân vật nào cần chú ý nhất đối với ta?
3. Công việc nào là tối quan trọng và khẩn thiết nhất?
Ðức vua cho nêu ba câu hỏi trên trước hoàng thành, truyền rao khắp các thị trấn, làng mạc ... và hứa sẽ trọng thưởng cho người nào có lời giải đáp khôn ngoan nhất. Bố cáo vừa được niêm yết thì các bậc hiền tài tuấn kiệt, thạc học minh triết lũ lượt kéo nhau về kinh thành, mỗi người đưa ra một ý kiến. Triều đình phải thành lập một ban giám khảo, các quan thị lang làm việc tận lực suốt hai tháng liền mới đúc kết các khuynh hướng thiên sai vạn biệt thành một vài trường phái nhất trí và dâng lên đức vua, vị chánh chủ khảo tối cao cả nước.
Ðáp lại câu hỏi đầu tiên, có người bảo rằng: muốn biết thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc, người ta phải thiết lập chương trình, kế hoạch, thời dụng biểu hẳn hoi. Xong, ta sẽ thực hành diễn tiến công việc theo những thời điểm qui định sẵn đó ... Nhưng ý kiến này liền bị nhà vua bác bỏ vì không có ai có thể tiên đoán được những điều sẽ xảy ra mà lập một khuôn mẫu sẵn, công việc đòi hỏi phải linh động mới được.
Có trường phái lại cho rằng một người không thể khôn ngoan hơn tập thể. Ðức vua nên thành lập một nội các gồm nhiều đại biểu để soạn thảo kế hoạch trước khi thi hành và làm theo quyết định chung.
Một trường phái khác lại đề nghị đức vua cần thành lập một hội đồng tiên tri để xủ quẻ trước khi thực thi một công việc ...
Như thế, đại để mọi người đều đồng ý với nhau rằng: Thời gian quan trọng nhất của công việc là thời gian chuẩn bị, nghĩ suy về công việc ấy.
Về câu hỏi thứ hai, người ta càng bất đồng ý kiến với nhau: Thượng Ðế, đức vua, quan tể tướng, các giáo sĩ, bốc sư v.v... được đề nghị là những nhân vật quan trọng nhất.
Câu hỏi thứ ba cũng được giải đáp trong một tình trạng tương tự - công việc nào phải được xem là quan trọng nhất - thưa: đó là việc nước, việc nhà, việc ăn, việc mặc, học hành, giao tế, tâm linh, hành chánh, kinh tế, quân sự hay là tôn giáo ... các đề mục đều được các khối óc khôn ngoan tinh tế nhất đề cập tới.