Old school Easter eggs.
Chia Se logo
Phật học
Thân Người Khó Được - Phật Pháp Khó Nghe
Cổ đức dùng ví dụ này để nói được thân người rất khó:

Thiên niên thiết thọ khai hoa dị,

Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan.

Dịch:

Ngàn năm cây sắt trổ hoa dễ,

Thân người mất đi được lại khó.

Chuyện cây sắt trổ bông vậy mà còn dễ, chớ thân người mất đi tìm lại rất khó. Khó hơn cây sắt trổ hoa nữa. Chúng ta thấy được thân người là rất khó. Trước kia có lẽ mình cũng đã tu hành tích lũy tốt phần nào, nên đời này mới được làm người, được nghe Phật pháp. Thế nhưng có những người được làm người rồi lại tự hủy hoại thân này, có phải sáng suốt không? Như tức giận ai liền tự tử, vì nghĩ làm như vậy cho hết khổ cái đời này. Song họ đâu ngờ chẳng những không hết, mà còn khổ hơn nữa. Tại sao? Vì như trong kinh “Tứ thập nhị chương” Phật dạy, như con trâu mỗi khi bị chủ tròng ách vô cổ bắt kéo xe. Nó ghét cái ách, nên hôm nào chủ nhà không để ý, nó dùng sừng của mình quật cho gãy cái ách đi. Vì nó nghĩ cái ách đó gãy thì khỏi kéo xe nữa, nhưng không ngờ gãy ách cũ ông chủ làm ách mới còn chắc hơn. Phật nói chỉ khi nào hết làm trâu thì hết kéo xe, còn làm trâu dù bẻ mấy cái ách cũng không khỏi kiếp kéo xe.

Cũng vậy, chừng nào chúng ta hết nghiệp khổ, nghiệp xấu thì được an lành tự tại, chớ hủy hoại thân này không phải là nhân an lành tự tại đâu. Biết thế khi gặp nghịch cảnh, chúng ta phải ráng tu để chuyển, chớ không nên liều lĩnh tự hại đời này như thế. Được thân người là quí, nên chúng ta phải gìn giữ bảo vệ không nên hủy hoại. Trong nhà Phật cấm không được tự sát, mà phải sống vượt qua mọi thử thách khó khăn để làm điều lợi ích cho mình, cho mọi người. Đó là tinh thần không phạm giới sát sinh của đạo Phật.

Kế đến Phật nói Phật pháp rất khó nghe, Tại sao? Có hai lý do:

Thứ nhất, người sanh trên đời này được gặp, được nghe Phật pháp thật là rất khó. Bởi có người cả đời không biết đến hai chữ Phật pháp, hoặc có những người được nghe lại không hiểu, nên nói khó nghe. Tại sao Phật pháp được nghe mà không hiểu? Bởi vì Phật pháp nói lẽ thật, chỉ lẽ thật cho chúng ta mà mình sống trong ảo tưởng quá nhiều, nên không thể tiếp nhận được sự thật ấy.

Ví dụ quí vị có chấp nhận thân mình nhơ nhớp không? Thầm nhận thôi, nhưng nếu ra ngoài ai phê bình anh hay chị này nhơ nhớp hôi hám quá, chịu không nổi thì mình nổi sân cự người kia liền. Phật nói thân này là đãy da hôi thối, mà mình lại thấy nó quí, nó đẹp, như vậy không phải sống với ảo tưởng là gì? Tưởng mình sạch, tưởng mình đẹp, tưởng mình quí nên nghe nói dơ, xấu chịu không nổi nên sân si liền. Càng sân si thì càng thấy xấu hơn, chớ đâu cãi chánh cho cái nhơ nhớp ấy được.

Có những việc hết sức nhỏ nhưng tôi thấy rất hay. Hôm đó thấy một thầy móc trong lỗ mũi ra một cục, tôi hỏi cục gì? Thầy ấy nói cục cứt mũi. Tôi hỏi thêm nếu trong lỗ tai móc ra thì gọi cái gì? Đáp cứt rái. Như vậy cả cái đầu mình toàn cứt không sao? Thế thì nó đẹp chỗ nào, quí chỗ nào, khôn chỗ nào? Từ trên xuống dưới đều là đồ bỏ hết, vậy mà ta tưởng quí, tưởng đẹp, nghe ai phê phán một chút nổi tức lên liền. Thật buồn cười, thật tội nghiệp!

Cho nên khi Phật sắp thành đạo, bọn ma vương giả thành thiếu nữ đẹp tới quyến rũ Ngài trở về thế gian, Phật liền quở: “Đãy da hôi thối hãy đi, ta không dùng”. Chúng xấu hổ tự bỏ đi. Đức Phật nhìn tường tận, thấy rõ lẽ thật, nói ra lẽ thật nhưng vì lẽ thật ấy khó chịu quá nên không ai muốn nghe. Phật pháp khó nghe ở chỗ đó, nó ngược lại với sự tưởng tượng, ước mơ của con người. Ai cũng muốn được khen, được đẹp, được tán thán sạch sẽ thơm tho… Nếu mình thật sạch sẽ thì mấy hãng xà bông thơm, dầu thơm ế hết. Tự ta thơm rồi, đâu cần gì nó, còn dùng tới dầu thơm là biết mình không thơm không sạch. Vậy mà ta cứ quên, tưởng mình thơm lắm, ai đi ngang cũng thích, đó là ảo giác chớ thực tế không phải thế. Thật ra con người sống với ảo tưởng quá nhiều, nên Phật nói lẽ thật chỉ thẳng lẽ thật cho chúng ta đừng lầm. Người nào thấy đúng lẽ thật thì bớt cao mạn, còn sống với ảo tưởng dễ sanh ra tự cao, ngạo mạn, đó là lẽ thường.
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ