Người nước Ngụy đời Tam Quốc, cha làm quan nhà Ngụy. Sau nhà Tây Tấn diệt nước Ngụy nhất thống thiên hạ. Cha Vương Thôi bị nhà Tây Tấn giết hại, ông quá thương xót, phủ phục trước mộ khóc mãi. Tương truyền nước mắt ông chảy quá nhiều, làm cho cây trắc bên mồ khô héo được tươi lại. Suốt đời Vương Thôi không bao giờ ngồi day mặt về hướng Tây, (vì Tây Tấn ở phương Tây) để tỏ ý chí cương quyết không bao giờ làm tôi cho nhà Tây Tấn.
Mẹ ông lúc sinh thời hay sợ sấm, cho nên khi mất rồi, hễ khi nào trời mưa có sấm chớp, ông lại ra mồ mà khấn rằng Có con đây rồi cốt để cho mẹ khỏi sợ. Biết ông là người tài giỏi, nhà Tây Tấn nhiều lần mời ông ra làm quan, nhưng ông cương quyết khước từ, ở nhà mở trường dạy học. Mỗi khi ông giảng sách cho học trò đến thiên Lục Nga trong Kinh thi có câu: Phụ Hề sinh ngã ông nhớ đến cha rồi tự nhiên nước mắt tuôn rơi, học trò đều cảm động và bỏ thiên Lục Nga không dám đọc nữa.
Nguyên Bản:
Từ mẫu phạ văn lôi.
Băng hồn túc dạ đài,
Át hương thời nhất chấn.
Đáo mộ nhiễu thiên hồi.
Có nghĩa là:
Mẹ hiền sợ nghe tiếng sấm.
Hồn thơm đã nằm dưới suối vàng,
Khi nghe thấy tiếng sấm động,
Đến mồ mẹ đi quanh nghìn lần
Diễn Quốc âm:
Ngụy Vương Thôi gặp đời Tây Tấn,
Vì thù cha lánh ẩn cao bay.
Bên mồ khóc đã khô cây,
Trọn đời ngồi chẳng hướng Tây lúc nào,
Khi sấm sét tìm vào mồ mẹ.
Lạy khóc rằng Con trẻ ở đây,
Bởi vì tính mẹ xưa nay,
Vốn từng sợ sấm những ngày gió mưa.
Nên coi sóc chẳng từ sớm tối,
Thần phách yên, dạ mới được yên.
Trong khi đọc sách giảng truyền,
Tới câu sinh ngã lệ tràn như tuôn.
Ngập ngừng kẻ cấp môn cũng cảm,
Thơ Lục Nga chẳng dám còn ngâm,
Cho hay thử lý thử tâm.
Sư, sinh cũng thấm tình thâm khác gì.