235. Ngươi đã giống như ngọn lá khô, Diêm ma sứ giả (tứ thần) ở sát bên mình. Ngươi đang đứng trước ngưỡng cửa chết, bước lữ hành của ngươi thiếu hẳn lương thực.
236. Ngươi hãy tự lo tạo lấy cho mình một hòn đảo an toàn, gấp rút tinh cần làm kẻ khôn ngoan, gột sạch phiền não trần cấu, để bước lên thánh cảnh chư Thiên(140).
237. Đời sống ngươi sắp lụn tàn, ngươi đang dịch bước đến gần Diêm vương, giữa đường không nơi ngơi nghỉ, bước lữ hành của ngươi thiếu hẳn lương thực.
238. Ngươi hãy tạo lấy cho mình một hòn đảo an toàn, gấp rút tinh cần làm kẻ khôn ngoan, gột sạch phiền não trần cấu, chớ trở lui đường sanh lão nguy nan.
239. Hết sát na này đến sát na khác, người trí lo gột trừ dần những cấu uế nơi mình, như người thợ vàng cần mẫn gột trừ cặn bã khỏi chất vàng ròng.
240. Như sét do sắt sinh ra rồi trở lại ăn sắt, ác nghiệp do ngươi gây ra rồi trở lại dắt ngươi đi vào cõi ác.
241. Không tụng tập là vết nhơ của sự học kinh điển, không siêng năng là vết nhơ của nghiệp nhà, biếng nhác là vết nhơ của thân thể và nơi ăn chốn ở, phóng túng là vết nhơ của phép tự vệ.
242. Tà hạnh là vết nhơ của người đàn bà, xan lẫn là vết nhơ của sự cúng dường. Đối với cõi này hay cõi khác thì tội ác chính là vết nhơ.
243. Trong các nhơ cấu đó, vô minh cấu là hơn cả. Các ngươi hãy trừ hết vô minh để thành Tỷ kheo thanh tịnh.
244. Sống không biết xấu hổ, lỗ mãng như quạ diều, sống chê bai kẻ khác, sống đại đởm khoa trương, sống ngạo mạn tà ác ; sống như thế chẳng khó khăn gì.
245. Sống biết hổ thẹn, sống thường cầu thanh tịnh, sống không đam mê dục lạc, sống khiêm tốn, trong sạch và dồi dào kiến thức ; sống như thế mới thực khó làm.
246 - 247. Trong thế gian này, ai hay sát sinh, hay nói dối, hay lấy cắp, hay phạm dâm, hay say đắm rượu chè; ai có các hành vi đó tức là đã tự đào bỏ thiện căn của mình ngay ở cõi đời này.
248. Các ngươi nên biết : “Hễ không lo chế ngự tức là ác”. Vậy chớ tham, chớ làm điều phi pháp, để khỏi sa vào thống khổ đời đời.
249. Vì có tâm tin vui nên người ta mới cúng dường, trái lại kẻ có tâm ganh ghét người khác được ăn, thì ngày hoặc đêm kẻ kia không thể định tâm được.
250. Nhưng kẻ nào đã đoạn được, nhổ được, diệt được tâm tưởng ấy thì ngày hoặc đêm, kẻ kia đều được định tâm.
251. Không lửa nào dữ bằng lửa tham dục, không cố chấp nào bền bằng tâm sân giận, không lưới nào trói buộc bằng lưới ngu si, không dòng sông nào đắm chìm bằng sông ái dục.
252. Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình thì khó. Lỗi người ta cố phanh tìm như tìm thóc lẫn trong gạo ; còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài.
253. Nếu thấy lỗi người thì tâm ta dễ sinh nóng giận mà phiền não tăng thêm, nếu bỏ đi thì phiền não cũng xa lánh.
254. Giữa hư không thì làm gì có dấu vết, trong ngoại đạo thì làm gì có Sa môn(141). Chúng sanh thì thích điều hư vọng mà Như lai làm gì còn hư vọng(142).
255. Giữa hư không thì làm gì có dấu vết, trong ngoại đạo thì làm gì có Sa môn. Năm uẩn thì không thường trú mà Như lai thì chẳng loạn động bao giờ.
CHÚ THÍCH
140. Thánh cảnh hàng chư Thiên đây là chỉ 5 cõi trời Tịch cư (Panca Anddhvasabhumi) : Vô phiền (A-viha), Vô nhiệt (Atappa), Thiện hiện (Suddassa), Thiện kiến (Suddssi), Sắc cứu kính (Akanittha) là năm chỗ của hàng A na hàm ở.
141. Sa môn (samano) ở đây chỉ những vị chứng ngộ bốn thánh quả.
142. Nguyên văn : Papanca, gồm có nghĩa hư vọng và chướng ngại. Ở đây đặc biệt chỉ cho Aùi (Tan-ha), Kiến (Ditthi), Mạn (Mano).