Chia Se logo
Phật học
Kinh Pháp Cú - XVI. PHẨM HỶ ÁI
209. Chuyên tâm làm những việc không đáng làm, nhác tu những điều cần tu, bỏ việc lành mà chạy theo dục lạc, người như thế dù có hâm mộ kẻ khác đã cố gắng thành công, cũng chỉ là hâm mộ suông(129).

210. Chớ kết giao với người đáng ưa, chớ kết giao với người không đáng ưa. Không gặp được người thương yêu là khổ, gặp người cừu oán cũng khổ.

211. Thế nên chớ đắm yêu, vì đắm yêu bị biệt ly là khổ. Nếu không còn những niệm yêu ghét thì không điều gì ràng buộc được.

212. Từ hỷ ái sinh lo, từ hỷ ái sinh sợ ; xa lìa hết hỷ ái, chẳng còn lo sợ gì.

213. Từ tham ái sinh lo, từ tham ái sinh sợ ; xa lìa hết tham ái, chẳng còn lo sợ gì.

214. Từ tham dục sinh lo, từ tham dục sinh sợ ; xa lìa hết tham dục, chẳng còn lo sợ gì.

215. Từ lạc dục sinh lo, từ lạc dục sinh sợ; xa lìa hết lạc dục, chẳng còn lo sợ gì.

216. Từ ái dục sinh lo, từ ái dục sinh sợ ; xa lìa hết ái dục, chẳng còn lo sợ gì (130).

217. Đầy đủ giới hạnh và chánh kiến, an trú Chánh pháp(131), rõ lý chơn thường (132), viên mãn các công hạnh(133), ấy mới là người đáng ái mộ.

218. Khát cầu pháp ly ngôn, sung mãn tâm cứu xét, không đắm mê dục lạc, ấy là bậc thượng lưu(134).

219 - 220. Người khách ly hương lâu ngày, từ phương xa trở về an ổn, được bà con thân hữu đón mừng như thế nào, thì người tạo phước nghiệp cũng vậy, khi từ cõi đời này sang cõi đời khác, phước nghiệp của họ là kẻ thân hữu đón mừng họ.



CHÚ THÍCH

129. Những Tỷ kheo vì bị dục lạc mê hoặc, bỏ việc hành đạo để sinh hoạt theo thế tục, sau thấy kẻ khác tu hành có công quả, lại luống tỏ lòng hâm mộ, chứ tự mình không thành được chi.

130. Năm câu 212-216, theo bản dịch của Đại đức Na ra da là : ”From endearment spings gief, from endearment spings fear for him who is free from endearment there is no gief, much less fear. From affection… From delight … From lust…, From craving…“.

131. Chỉ bốn hướng, bốn quả và Niết bàn, cộng là chín pháp thù thắng.

132. Chỉ bốn Thánh đế.

133. Chỉ giới, định, tuệ.

134. Bậc thượng lưu (Ubddhamsoto), chỉ quả vị Bất hoàn (Anagami) gần đến Niết bàn A la hán.
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ

XtGem Forum catalog