The Soda Pop
Chia Se logo
Phật học
Kinh Pháp Cú - IX. PHẨM ÁC
116. Hãy gấp rút làm lành, chế chỉ tâm tội ác. Hễ biếng nhác làm lành giờ nào thì tâm liền ưa chuyện ác giờ ấy.

117. Nếu đã lỡ làm ác, chớ tiếp tục làm thêm, chớ vui làm việc ác. Hễ chứa ác nhất định thọ khổ.

118. Nếu đã làm việc lành, hãy nên tiếp làm mãi, nên vui làm việc lành. Hễ chứa lành nhất định thọ lạc.

119. Khi nghiệp ác chưa thành thục, kẻ ác cho là vui ; khi nghiệp ác đã thành thục kẻ ác mới hay là ác.

120. Khi nghiệp lành chưa thành thục, người lành cho là khổ ; khi nghiệp lành đã thành thục, người lành mới biết là lành.

121. Chớ khinh điều ác nhỏ(87), cho rằng “chẳng đưa lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước nhiểu lâu ngày cũng đầy bình. Kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác bởi chứa dồn từng chút từng chút mà nên.

122. Chớ khinh điều lành nhỏ cho rằng : “chẳng đưa lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước nhiểu lâu ngày cũng làm đầy bình. Kẻ trí sở dĩ toàn thiện bởi chứa dồn từng chút từng chút mà nên.

123. Như người đi buôn mang nhiều của báu mà thiếu bạn đồng hành, tránh xa con đường nguy hiểm làm sao, như kẻ tham sống tránh xa thuốc độc như thế nào, thì các ngươi cũng phải tránh xa điều ác thế ấy.

124. Với bàn tay không thương tích, có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc ; với người không làm ác thì không bao giờ bị ác.

125. Đem ác ý xâm phạm đến người không tà vạy, người thanh tịnh vô nhiễm, tội ác sẽ trở lại làm cho kẻ ác như ngược gió tung bụi.

126. Con người sinh ra từ bào thai, nhưng kẻ ác thì đọa vào địa ngục, người chính trực thì sinh lên chư Thiên, còn cõi Niết bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử.

127. Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này, chẳng có nơi nào trốn khỏi nghiệp ác đã gây.

128. Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này, chẳng có nơi nào trốn khỏi tử thần.


CHÚ THÍCH

87. Nguyên văn : Mappamannatha có hai nghĩa :
(a) Mappanati, là “chớ khinh thị”.
(b) Mappamannati, là “chớ tưởng ít”.
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ