Old school Easter eggs.

Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Dứt bỏ những tham nhiễm là điều không phải dễ, mà dứt bỏ một cách vui vẻ lại càng khó hơn. Nếu ai mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay... mà lòng không ái nhiễm, ấy là bực siêu nhân. Ngài Phù Dung Thiền sư nói: "... ngộ thanh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết..." Nghĩa là: "... nghe tiếng hay, nhìn sắc đẹp như hoa trồng trên đá, thấy tài lợi danh vọng như bụi rơi vào mắt..." Con người được như vậy mới hẳn là tự tại an vui. Chúng ta nhìn qua tượng đức Di-lặc sẽ thấy năm đứa nhỏ móc tai, chọc mắt... Ngài, mà trên gương mặt Ngài vẫn nở một nụ cười tự tại. Hình dáng ấy để tượng trưng cho người đã hỉ xả ngũ trần toàn vẹn. Ðức Di-lặc không cười sao đặng, vì ngoại cảnh còn gì quyến rũ được Ngài, tâm Ngài lúc nào cũng an nhiên thì quyết định trên gương mặt hẳn luôn luôn hoan hỉ.

Tài, sắc, danh vọng... là vật bên ngoài, xả bỏ không lấy gì làm khó, đến như thân mạng là cái mà người phàm phu tuyệt đối mến yêu, muốn xả bỏ nó thì sự khó khăn lại gấp bội phần. Người đời vì trìu mến thân nên đã gây biết bao tội lỗi, ngược lại: "Bồ-tát vì chúng sanh bỏ thân mạng dễ dàng hơn người tham lẫn bỏ một vắt cơm." (Luận Ðại Trượng Phu) Người đã quên mình vì chúng sanh thì đối với sự khổ vui còn mất của thân mình không đáng kể, như thế là họ đã vượt khỏi cái khổ vì thân. Lão Tử nói: "Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân, ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu." Thật vậy, nếu không còn thấy có riêng mình thì còn hoạn gì làm cho mình khổ. Vui lòng bỏ thân mạng để cứu độ chúng sanh, đó là đức hỉ xả cứu kính.

Tóm lại, hỉ xả những oán thù cho lòng được nhẹ lòng thanh thoát, đó là cái vui của phàm nhân. Hỉ xả những tài, sắc, danh vọng... cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc giải thoát. Hỉ xả thân mạng để cứu độ chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được an lạc, đó là cái vui của bậc Bồ-tát. Người Phật tử quyết tâm dứt khổ tìm vui, phải tu đức hỉ xả theo thứ tự của nó, hỉ xả một phần là chúng ta được vui một bậc. Ðến khi nào hỉ xả toàn vẹn rồi là ta được cái vui cứu kính. Như vậy, vui và khổ không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính ta tự tạo lấy. 

ĐẠO PHẬT VÀ TUỔI TRẺ  

Hòa thượng Thích Thanh Từ 

 

-03- 

Ðức Thanh Tịnh 

Muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp mà không lo hoán cải con người, ấy chỉ là việc mò trăng đáy giếng. Nhằm mục đích xây dựng xã hội, đạo Phật bắt đầu hoán cải từng cá nhân, chẳng những trong hạng thành niên, mà đến hàng trẻ thơ non dại. Nền tảng tạo thành một con người tốt đẹp là thanh tịnh. Thanh tịnh là trong sạch. Trong sạch không có nghĩa thoát ly ngoài cảnh trần tục, mà chỉ ở ngay trong cõi đời ô trược, nhưng không bị nhiễm ô, thế mới thật là trong sạch. Như hoa sen tuy nằm giữa đống bùn nhớp nhúa, mà hương vị vẫn thơm tho. Vì thế khi nói đến đức thanh tịnh, đạo Phật hằng mượn hoa sen để biểu thị. Ðức Phật nghiễm nhiên ngự trên đài sen. Muốn thực hiện đức thanh tịnh, người Phật tử tập dần từ thô đến tế, từ cạn đến sâu theo thứ tự: hành độâng thanh tịnh, ngôn ngữ thanh tịnh, và tư tưởng thanh tịnh.  

Hành động thanh tịnh.

Trước nhất người Phật tử giữ gìn thân thể sạch sẽ, sự ăn mặc vén khéo giản dị, cho đến khi đi đứng phải đoan chính; tránh mọi xa hoa, phù phiếm và vô độ. Mặc một bộ đồ bóng dợn, ướp nước hoa nồng nặc... cử chỉ ấy, đối với người Phật tử vẫn thấy không thanh tịnh chút nào.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ