Snack's 1967

Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Nói thế em sẽ nghi: Lòng thương bắt nguồn từ sự đau khổ, thì những gia đình khá giả, cha mẹ không có đói lạnh, vậy kẻ làm con không thương sao? - Không phải thế đâu em. Mặc dù cha mẹ không phải đói lạnh, nhưng người đã khổ sở nhọc nhằn với con quá nhiều. Từ khi con lọt lòng cho đến khi khôn lớn, kẻ làm cha mẹ đã hồi hộp lo âu cho con biết bao nhiêu lần. Một khi sổ mũi, một chút ấm đầu... của con, cha mẹ đã nóng lòng, sốt ruột, chạy ngược, chạy xuôi lo thầy trị thuốc v.v... Như vậy, kẻ làm con phải biết cảnh khổ ấy, mà thương cha mẹ trước nhất.

Lòng thương phát nguyên từ gia đình lần ra xã hội, như vết dầu loang. Nếu chỉ khu biệt lòng thương trong phạm vi gia đình thì không phải lòng từ bi. Trái lại, thương bao la bên ngoài mà bỏ sót gia đình, ấy cũng không phải từ bi. Lòng từ bi nghĩa là thương khắp hết, nhưng bao giờ cũng từ gần đến xa.

Giống từ bi phải gieo trên đất đau khổ, nhưng cần phải có ánh nắng trí tuệ nó mới nẩy lộc, đâm chồi và đơm hoa kết quả. Có trí tuệ, lòng thương không bị mù quáng lạc lầm. Khi ta gặp hai người cùng đói lạnh, nhưng một người vẻ mặt hiền hòa, cử chỉ đằm thắm dễ thương, một người gương mặt dữ dằn, cử chỉ thô bạo đáng ghét. Nếu thiếu trí tuệ xét đoán, ta chỉ ưng cứu người dễ thương, mà làm ngơ trước người đáng ghét. Thế là, lòng thương đã bị thiên lệch, không còn nghĩa từ bi.

Ðã sẵn lòng thương, nhưng chỉ biết thương để mà thương thì chưa đủ biểu hiện lòng từ bi. Muốn thể hiện lòng từ bi, ta phải ra tay cứu giúp mọi người. Thấy cái khổ của người, ta vẫn coi như cái khổ của ta. Phải thật tâm tận lực cứu giúp họ, mà không mong một sự đền đáp nào cả. Nếu cứu giúp mà mong đền đáp, ấy chỉ là sự cho vay. Cứu giúp không đợi việc lớn mới quan trọng, dù việc bé tí ti mà làm với một tâm lượng rộng lớn, tự nhiên nó trở thành lớn. Ðức Phật xưa kia vẫn hoan hỉ xỏ kim hộ ông A-na-luật-đà. Vì thế, khi ta cứu giúp người, ta không nên chọn lựa việc nhỏ, lớn cũng như kẻ thân, sơ.

Muốn bảo vệ lòng từ bi không cho thối thất, ta phải hạn chế sự phóng túng của mình. Một câu nói đùa có thể tổn thương người, ta không nên nói. Một hành động chơi vui có thể hại mạng loài vật, ta vẫn không chơi. Nhà luân lý học Pháp, ông Vauvenargues nói : "Ðối với một người hung tợn nhất dù ai nói thế nào mặc lòng, nếu người ấy hãy còn yêu loài vật thì chưa phải là một người hung tợn." Người ta nhiều khi vì một trò chơi mà đã tàn sát sanh mạng các loài vật, như bắn chim chẳng hạn. Họ có biết đâu, đó là những hành động làm tiêu ma lòng từ bi của họ?

Cần cho lòng từ bi tăng trưởng, ta phải dẹp bớt tánh vị kỷ, luôn nhớ đến người, đến mọi loài hơn nghĩ đến mình. Nếu có lợi cho bản thân ta, mà đau khổ người hay vật thì nhất định không làm. Cố làm việc hại người, hại vật để thỏa thích thị dục mình, hành động ấy phi từ bi. Sự ăn chay của người tu nhằm m?c tiêu này.

Lòng từ bi là ban rải hạnh phúc cho người, cho muôn loài. Cây thiếu nhựa sống thì cây khô héo, con người thiếu từ bi con người khổ não. Có từ bi thì nhân loại mới yêu thương nhau, tương trợ nhau. Làm gì có chiến tranh, làm gì có tang tóc, nếu mọi người sẵn lòng từ bi? Trái lại, nếu con người không có chút từ bi thì thế giới này sẽ thấy dẫy đầy lửa và máu! Cho nên muốn đem hòa bình cho nhân loại, đem hạnh phúc cho chúng sanh, chúng ta phải cực lực cổ võ từ bi. Từ bi đến đâu thì đau thương tan đến đấy.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ