Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Người bị nhục mạ nhịn không được cơn tức giận, nên gây tai họa, kẻ gặp cảnh trở ngại, nhịn không được lòng buồn nản, nên bỏ hư hỏng công việc, ta được ngợi khen, được thắng thế, nếu không nhịn được lòng tự đắc của mình, nên dễ sinh ngã mạn khiến mọi người đều ghét. Như trò Kiêu lâu nay tuy học dở mà nói năng nhỏ nhẹ khiêm tốn, nên được cả lớp ai cũng thương. Một hôm đến giờ toán, thầy giáo cho bài, may sao anh làm rồi sớm lại trúng, khi các bạn anh làm chưa rồi. Thầy giáo thấy thế khen ngợi anh trước chúng bạn. Có lẽ đây là lần thứ nhất, Kiêu được hơn chúng bạn và thầy khen, mắt anh sáng lên, nhìn chúng bạn thấy họ tầm thường quá. Từ đó về sau, ai trông thấy Kiêu không còn là một trò khiêm tốn dễ thương, mà là đứa bé khinh mạn đáng ghét.

Khi biết nóng giận là tính dữ, nản chí là nết hư, thì ngã mạn cũng là tật xấu. Nhưng khó trị nhất là ngã mạn, vì ta không thể biết được nó khởi tự bao giờ, chỉ có kẻ khác biết thôi. Phật dạy: "Có thế lực mà không ỷ mình là khó." Muốn nhịn chịu được sự khen ngợi, ta nên nghĩ thế này:

Tiếng ngợi khen của người đời ít khi đúng sự thật. Hoặc họ muốn làm đẹp lòng ta để nhờ ta giúp một việc gì, nên họ khen? Hoặc họ khen là để gợi tính hiếu thắng, tự cao của ta, đặng đưa ta về chỗ hư hèn? Hoặc vì nể ta, khen cho ta được vừa ý... Tất cả sự khen ấy đều không đúng sự thật, đã không đúng sự thật thì có gì mà ta mừng, tự đắc?

Nếu người khen biết được ta, và trăm phần trăm đúng sự thật, thì ta nên nghĩ: Sự thành công tốt đẹp ấy không phải tài của ta, mà do phước lành đời trước còn lưu lại. Ðã do phước lành mà được việc, khi được ta cần phải gieo giống phước lành nhiều hơn để sau này khỏi mất, mà tính tự cao, ngã mạn là thứ thuốc độc làm ung tất cả mầm phước đức, ta cần phải tránh.

Người gặp những trường hợp trên mà không nhẫn nhục thì sau sanh hối hận. Như Tý bị Sửu mắng, không dằn được cơn nóng, Tý đánh Sửu trọng thương. Anh Sửu trông thấy, nóng lòng vì em, chụp gốc cây đập Tý lỗ đầu. Rốt cuộc cả hai đều trọng bệnh và cùng vào bệnh viện. Như câu cách ngôn Tây phương: Sống vì lưỡi kiếm, chết vì lưỡi kiếm (Qui vit par l'épée, meurt par l'épée).

Bao nhiêu sự buồn khổ thời gian Tý nằm trong bệnh viện, có phải tại ai có ác ý muốn hại Tý chăng? Hay chính tự Tý chuốc lấy? Sự thực không ai làm khổ mình. Nếu thắng được cơn giận dữ, làm gì Tý phải nằm trong bệnh viện thế này. Cho biết mọi khổ đau đến với mình phần nhiều là tại mình không nhịn được lòng nóng nảy bồng bột của mình mà ra. Như ngài Thích-đề-bà-na hỏi Phật: "Vật gì giết an lạc? Vật gì giết vô ưu? Vật gì gốc của độc, nuốt hết tất cả thiện?" Phật đáp: "Sân hận giết an lạc. Sân hận giết vô ưu. Sân là gốc của độc. Sân nuốt tất cả thiện."

Chẳng những thế, người không nhẫn ít khi làm chủ được mình mà thường bị ngoại cảnh chi phối. Như Hận không muốn gây sự với Manh nhưng Manh khiêu khích, không chịu nổi cơn nóng giận, Hận chửi đánh ẩu đả. Thế rồi, cả hai cùng chịu khổ. Hoặc như Tốc muốn học đến cử nhân nhưng thi trung học rớt vài phen, thối chí anh muốn trở về cày ruộng... Những người như thế đều bị hoàn cảnh lung lạc, không có chí vững bền tự chủ.

Người biết nhẫn dù gặp việc lớn cũng biến thành nhỏ, dữ hóa hiền, không mấy khi phải hối hận, tâm thường an lạc. Phật dạy: "Nếu có người trí ưa tu nhẫn nhục, người ấy dáng điệu hòa nhã, hằng tươi tỉnh, ưa vui cười, mọi người trông thấy đều hoan hỉ, nhìn không biết chán..." -- (Kinh Ưu-bà-tắc, phẩm Nhẫn Nhục.)

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ


XtGem Forum catalog