Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Người tu đức nhẫn nhục không những chịu đựng những cơn phẫn nộ không cho dấy khởi, mà bất cứ điều gì làm cho tâm hồn xao xuyến rạo rực đều chịu đựng để dằn ép chúng trở về trạng thái yên tĩnh. Nhẫn nhục là một cách súc tích khí lực điều khiển thân tâm mình. Người làm chủ được mình là một sức mạnh vô biên. Phật dạy: "Thắng một vạn quân, không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt." (Kinh Pháp Cú)

Người đời chỉ mong chinh phục kẻ khác, chinh phục ngoại cảnh mà quên đi nội tâm. Khác nào con trong nhà không dạy, không răn, mà đi dạy răn con người hàng xóm, thật là một việc viển vông. Bắt nạt người cung kính, tuân lệnh mình, mà mình nô lệ thất tình lục dục, thì còn tai hại nào to hơn! Ông A có uy quyền, có thế lực, ai cũng sợ, cũng khiếp, bảo điều gì ai cũng phải theo. Như vậy nếu ông A bị nô lệ lòng tham, chúng ta thử nghĩ, những kẻ dưới tay ông sẽ là gì? - Phải chăng sẽ là những con chó săn đang lao mình trong rừng rậm. Trong xã hội này, nếu ai cũng muốn tạo uy quyền bên ngoài, mà không thắng được bên trong, thì xã hội sẽ ra sao?

Tóm lại, tạo uy quyền bên ngoài tuy khó, nhưng đã lắm người tạo được. Ðiều phục nội tâm là chuyện khó gấp bội lần hơn, chỉ những bậc Thánh nhân, những vị anh hùng mới làm được. Vì thế, đức Thích-ca chưa từng cầm gươm lên ngựa chinh phục một ai, chỉ ngồi tĩnh tọa dưới cội bồ-đề, chuyên gạn lọc nội tâm, mà Ngài đã được hiệu "Ðiều Ngự Sư" hay đấng "Ðại Hùng Ðại Lực". Ngài là một vị "Anh hùng muôn đời". Tôi mong bạn, một thanh niên của nước Việt Nam, bạn hãy đắn đo cẩn thận, trước khi bạn tập làm "anh hùng". 

ĐẠO PHẬT VÀ TUỔI TRẺ  

Hòa thượng Thích Thanh Từ 

 

-07- 

Phương pháp lập nghiệp vĩnh cửu 

Ðã làm người, ai không muốn lập công danh hiển hách, sựï nghiệp vẻ vang để lưu truyền vạn đại. Sự ước mong là thế, nhưng trên đường lập nghiệp đã biết bao người, hoặc đuối sức quằn quại tắt thở bên vệ đường, khi nhìn thấy thành trì sự nghiệp còn xa lắc; hoặc đã rỗ chân, sầy trán mà tìm không thấy bóng thành trì sự nghiệp ở đâu, rồi âm thầm nuốt hận quay về với hai bàn tay trắng và gương mặt hốc hác héo sầu. May ra, cũng có vài người đến thành sự nghiệp, nhưng khi đến nơi nó đã trở thành giả ảnh tan theo như sương mù buổi sớm, bọt nước chiều hôm.  

Tại sao có những cuộc dở dang và thất bại ê chề trên con đường tìm sự nghiệp?

Là vì động cơ lập nghiệp của người đời là lòng tham, mà lòng tham không bờ bến, còn sức người có chừng; nên chi đều thất vọng. Người ôm lòng tham chạy tìm sự nghiệp, thì ôi! Khác gì kẻ mang kiếng xanh soạn tìm tờ giấy trắng, biết bao giờ gặp được. Ngày xưa có một nhà vua muốn xem thử lòng tham của người lên đến độï nào. Ông ra lệnh cho một lực sĩ rằng: "Từ mai sớm khi mặt trời hừng mọc, cho đến chiều hôm khi mặt trời vừa lặn, ngươi chu vi đất được bao nhiêu ta sẽ cho ngươi hết." Chàng lực sĩ hớn hở lui về, dự bị lương thực dùng một ngày. Hôm sau vừa sớm tinh sương, chàng chực sẵn trước đền vua. Mặt trời vừa ló dạng, chàng cắm đầu chạy. Chàng chạy hăng quên cả cơm nước. Mặt trời đã đứng đầu, chàng nhìn quay lại thấy khu đất còn nhỏ xíu. Bóng đã ngả dài, tranh thủ với thời gian, chàng chạy nhanh hơn, cho đến thân hình chàng chỉ còn là một vật chao động dưới bóng mặït trời. Vầng ô vừa kề đầu núi, chàng vận dụng hết tàn lực chạy cho đến đích, khi mặt trời vừa lặn. Ðến đích, thì ôi! Chàng chỉ còn là một xác không hồn.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ


Old school Easter eggs.