Chia Se logo
Phật học
Đạo Phật Và Tuổi Trẻ
Ông Bạo, vì tranh hơn thua việc làm ăn với bạn đồng nghiệp mà sanh cãi vã, ông nổi nóng chạy về nhà lấy bù lon, đến đập vào đầu người kia phun máu, rồi ông phải ngồi khám. Làm được vậy, ông cũng tự đắc mình là anh hùng.

Cậu Tài, đắm mê tửu sắc, bỏ học hành, bị cha mẹ rầy mắng. Cậu tìm dao đâm họng tự tử. Thái độ đó, cậu thấy rất là anh hùng... Tóm lại, trong xã hội có vô số bọn "anh hùng rơm" như vậy.

Ðến những kẻ có chút gan dạ, nhân thời loạn lập bè, kết đảng, cậy thế, ỷ quyền, tự xưng hùng, xưng bá, may ra được lúc đắc thời, đắc thế, họ sẽ vỗ ngực xưng ta đây là anh hùng. Ðó là nhóm "anh hùng thời cuộc".

Sức mạnh của Lý Ngươn Bá, chuyển cặp chùy gần như lay trời, động đất, một tiếng hét muôn quân đều cúi rạp. Nhưng vì một cơn phẫn nộ không đâu, ông ném cặp chùy để tự sát. Tài cao chàng Lữ Bố, trước vạn quân không hề nao núng, giết kẻ địch như lấy đồø trong túi, thế mà vẫn đắm đuối vì sắc đẹp của Ðiêu Thuyền... Chinh phục hằng mấy triệu người, nhưng phải phủ phục trước một mỹ nhân, hay cơn phẫn nộ, là hạng "anh hùng sức khỏe".

Lấy tiết nghĩa làm mục tiêu, giàu sang không thay lòng, lâm nguy không nhụt chí, thành công mà mất tiết nghĩa không màng, vong thân mà còn tiết nghĩa mới toại, đó là hạng anh hùng tiết nghĩa. Người điển hình cho hạng anh hùng này, ta thấy có Quan Vân Trường thời Tam quốc Trung Hoa. Vân Trường lúc ở với Lưu Bị cũng như khi về với Tào Tháo, lòng vẫn không đổi thay. Ðánh với Huỳnh Trung trăm hiệp không phân thắng bại, khi ngựa sẩy chân ném Huỳnh Trung xuống đất, Ngài liền dừng đao, không giết kẻ sa cơ. Tào Tháo là kẻ thù nguy hiểm, mà lúc thất thế lội bộ trong nẻo Huê Dung, Ngài cam chịu tội, để tha người cùng lộ. Cho đến đi đường cái, về đường cái, thà chết chứ không khiếp nhược. Những cử chỉ ấy, những thái độï ấy, Ngài đã hiển nhiên thành một vị anh hùng của Á Ðông. Nói về khỏe, Ngài đâu hơn Lữ Bố; nói về trí, Ngài sao bằng Khổng Minh. Thế mà, mọi người đều sùng thượng Ngài là vị Thánh, kính cẩn tôn thờ Ngài. Ngài là một vị anh hùng bất tử trong hiện tại cũng như suốt vị lai. Trong bài ca khen Ngài có câu:

"... Trung nghĩa tham thiên địa. Anh hùng quán cổ kim..."

Ngài chỉ tiết chế phần nào lòng tham, để đưa đời Ngài đi theo chánh nghĩa, mà được mọi người quí chuộng dường ấy; huống nữa, người tiết chế toàn vẹn tham, sân, si để đem đời mình phụng sự cho nhân loại, thì cao quí biết ngần nào!

Lão Tử nói: "Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường."

Thực vậy, thắng người chỉ là vấn đề sức khỏe hay mưu chước xảo quyệt. Anh yếu tôi mạnh, tôi có thể lấn át được anh; anh thật thà chất phác, tôi mưu thần chước quỉ, tôi sẽ hơn được anh. Nhưng đó chỉ là vấn đề bên ngoài. Về nội tâm, một lần tôi hơn anh, là một lần tôi đã thua tôi. Vì anh yếu, tôi mạnh, tôi ỷ sức mạnh hiếp người yếu, đó là lòng "khinh mạn" đã làm chủ tôi. Anh thật thà, tôi xảo quyệt, ý trí khôn xảo của mình, tôi lường gạt anh, là tôi đã làm nô lệ cho lòng "tham lam". Tôi lấn át, lường gạt anh, anh thua tôi nhưng chưa hẳn là anh phục tôi. Ðể lòng "khinh mạn", "tham lam" làm chủ, tôi đã thật sự đầu hàng nó. Vì thế, thắng người chưa phải là mạnh.

Thắng mình mới thật mạnh; trước một vẻ đẹp yêu kiều, bạn giữ lòng không xao xuyến. Sắp nắm trong tay một mối lợi khổng lồ nhưng không hợp đạo nghĩa, bạn bỏ qua không chút hối tiếc. Ðời bạn hoàn toàn trong sạch mà bỗng nhiên một đứa thất phu vô cớ thóa mạ bạn, lúc đó bạn vẫn giữ lòng an tịnh không chút rạo rực... Những việc đó bạn nghĩ có dễ làm chăng? Người tầm thường có thể làm được không? - Chắc bạn cũng đồng ý như tôi, người thắng được lòng mình một cách quả cảm, đòi hỏi phải có một nghị lực phi thường, một bản lĩnh xuất chúng. Vì thế, người thắng được lòng mình mới thật là người mạnh.

Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ


XtGem Forum catalog