Một hôm, trên đường đi, một vị sư bỗng khám phá ra một khoảng đường trơn trợt trong khuôn viên chùa, ai sơ ý là té dễ như chơi.
Động lòng bi mẫn, vị Sư này đã bỏ cả một buổi trưa để hì hục đóng, sơn và vẽ một tấm bảng báo động. Xong, đem cắm ở quãng đường đó.
Nhìn lại công trình của mình, Sư khoan khoái đi tới đi lui, nhìn ngắm nghĩ bụng:
- Thật là an toàn, có tấm biển báo động nơi đây thì đảm bảo chẳng ai trơn trợt cả…
Ngờ đâu xong một lúc đi lui, Sư trở thành người trơn trợt đầu tiên.
Lời bàn
Trong đường đời cũng như đường đạo mà chúng ta vừa đi qua, có lẽ ít nhất chúng ta cũng hơn một lần té ngã kiểu này… Cái đau của thể xác không thấm vào đâu so với sự xấu hổ, tự ti và mặc cảm, khi phải đối diện với lăng kính cuộc đời đầy dẫy những xao động, thị phi.
Nhưng không sao! Điều mà chúng ta cần phải suy tư ở đây, là sau khi té xong, ta sẽ nhanh chóng đứng dậy để nhanh chân rời khỏi nơi bùn lầy đó, hay là cứ tiếp tục nằm để cho bùn đất lấm vào thân. Tất nhiên là mọi người sẽ nhanh chóng rời khỏi nó, vì nó chỉ là đám bùn mang tính vật chất.
Nhưng trên bước đường tu, nhiều lúc gặp phải đám bùn của trạng thái tâm lý, chúng ta lại không dám đương đầu, dễ nản lòng và nhục chí. Chúng ta hãy noi gương vị Sư nọ, dù có té ngã nhưng đã dựng lên một biểu tượng để mọi người thấy đó mà tránh, để mọi người được hạnh phúc không phiền muộn, đó cũng là một việc rất đáng làm trong đời sống nhân sinh.