Teya Salat
Chia Se logo
Phật học
Mục đích
   Một võ sư lừng danh hỏi một đệ tử mới nhập môn:
   - Con muốn học võ à?
   - Vâng! Con muốn học võ để chiến thắng kẻ địch!
   - Càng nghĩ đến chiến thắng và kẻ địch thì chưa học võ được đâu, vì còn hiếu thắng!
   - Vậy con học võ để tự vệ thôi!
   - Còn đề kháng tự vệ cũng chưa học võ được vì con còn vị kỷ!
   - Nếu vậy con học võ để làm gì?
   - Lại để làm gì! Chung quy vẫn còn vướng vào một mục đích!
   Võ sinh ngạc nhiên:
   - Nhưng làm thế nào có thể học võ mà không có mục đích?
   Võ sư ung dung bước ra giữa võ đường, múa một bài quyền và nói:
   - Ngươi cứ thế mà làm không được sao?

Lời bàn
   Trong cuộc sống này, hình như con người không thể tồn tại mà không có mục đích, nhưng mục đích thì luôn ở tương lai, ở phía trước. Tôi sẽ được cái này, sẽ được cái kia và sẽ là… Vì vậy mà người ta phải thổn thức, phải đợi chờ và phải hy vọng.
   Ngày mai, sự hi vọng và cái khái niệm của thời gian cũng chính là nội dung của tư tưởng bản ngã, chúng khởi lên cùng một lúc với phiền muộn, khổ đau và thất vọng, khi mà bản ngã của ta chưa thỏa mãn và không đạt được mục đích mà mình mong muốn.
   Nói cách khác, khi bản ngã đề ra một mục đích thì ngay lập tức, nó mời gọi tư tưởng, thời gian đợi chờ và đau khổ cùng hiện hữu. Khi ta tự đặt ta vào trong một mục đích, có nghĩa là ta đã quá chú trọng đến tương lai mà bỏ quên thực tại. Như vậy, chính ta đang đánh mất đi hạnh phúc sẵn có của mình để mong cầu một thứ hạnh phúc chưa có, mà lại không biết ở khoảng giữa thời gian vắng mặt của hai thứ hạnh phúc này, ắt hẳn chỉ là đau khổ.
   Nghệ thuật sống hạnh phúc có nghĩa là phải nhìn sâu vào giây phút hiện tại mầu nhiệm sẵn có thì tất cả mọi tư tưởng, chấp trước và suy tính sẽ được giải trừ, và khi ấy, bạn sẽ là một người có cuộc sống an lạc nhất.
Chuyển hướng
Phật học
Trang chủ