Thuở xưa, có một người hay khen ngợi đức hạnh của cha mình trước mặt nhiều người khác: nào là cha anh có lòng nhân từ, không bao giờ làm tổn hại ai cả, nào là cha anh không bao giờ cướp giật, lừa gạt tiền vật của ai, nào là đối xử với mọi người rất công bình, không bao giờ nói dối mà lại hay giúp đỡ người trong cơn nguy khốn…
Có một người ngu nghe thế, tự nghĩ: “Mình cũng nên khen cha mình một phen”.
Nghĩ xong, anh bèn nói:
- Đức hạnh của cha tôi còn hơn đức hạnh của phụ thân ông!
Người chung quanh bèn hỏi:
- Đức hạnh của ông thân anh như thế nào?
Người ngu liền đáp:
- Cha tôi từ nhỏ tuyệt đường dâm dục, chẳng hề biết gì về việc ấy!
Ai nấy nghe cũng đều bật cười mà nói:
- Nếu quả thật cha anh từ nhỏ đoạn dục thì làm sao sinh được anh?
Nghe hỏi, anh ngu nọ đừ người ra, chẳng biết phải trả lời làm sao.
Lời tựa
Sống ở đời, ai cũng muốn mình được tiếng thơm, tức là những lời khen ngợi mà người khác dành cho mình. Nhiều người còn muốn tên tuổi cùng danh tiếng của mình lưu lại đến đời sau. Muốn thực hiện được điều đó, ta phải biết sống cho mọi người, vì mọi người, bằng cách dám coi nhẹ đồng tiền và ngay cả mạng sống của mình để giúp đỡ người khác. Hoặc có thể truyền đạt tất cả những kinh nghiệm quý báu gì mà mình đã đạt được trong cuộc đời, những thành quả về mọi mặt… để mưu cầu lợi ích chung, thì những lời khen ngợi của người khác dành cho mình mới phù hợp với thực tế.
Nếu cố bịa ra những việc tốt mà ta chẳng làm để được người khác khen ngợi tức là nhận sự giả dối. Chẳng những không được lợi ích gì mà lại làm cho mọi người khinh bỉ. Do đó, trong năm giới của Phật giáo, giới cấm vọng ngữ là một hình thức để giúp nguời ta chế ngự và ngừa những lời nói không thật, vô nghĩa không mang lại lợi lạc cho mình và người.