Thời xa xưa, tại một một ngôi chùa nọ, khi thầy trụ trì và các đệ tử bắt đầu ngồi tịnh tọa niệm Phật vào buổi tối, thì con mèo sống trong chùa gây ra tiếng ồn ào khiến họ phải phân tâm. Thầy trụ trì ra lệnh cột con mèo lại trong giờ tịnh tọa.
Nhiều năm sau, khi thầy trụ trì qua đời, con mèo vẫn tiếp tục bị cột trong giờ đại chúng tịnh tọa. Đến khi con mèo đó già chết, một con mèo khác lại được mang vào thiền viện, và nó cũng bị cột lại trong giờ tịnh tọa vào buổi tối.
Rồi đến nhiều thế kỷ sau, nhữngngười kế thừa ngôi chùa đó đã viết luận văn tốt nghiệp về nghi lễ tôn giáo của việc cột con mèo lại trong lúc tịnh tọa.
Lời bàn
Câu chuyện kể trên, giống như cách phát triển những điều mê tín. Mới đầu, có thể có những lý do đặc biệt trong một hoàn cảnh riêng nào đó. Lâu dần, việc đó được lập đi lập lại như một tập tục, rồi thành một nghi thức. Họ làm việc đó vì họ không thấy có điều trở ngại, không mất gì và không nên làm.
Nhiều người trong chúng ta, đã sống giống như câu chuyện trên. Chúng ta làm cái này cái kia, lập đi lập lại mà thực sự không hiểu gì về ý nghĩa hay tầm quan trọng của nó.
Câu chuyện còn nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ tới lời Phật dạy trong kinh Kalama (thuộc Tăng Chi Bộ) như sau: “Như vậy, này các Tỳ kheo, điều ta vừa nói với các người: Các Tỳ kheo, các người đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì sa môn là thầy mình. Nhưng này các Tỳ kheo, khi nào các người tự biết rõ: các pháp này là thiện, các pháp này không đáng chê, các pháp này được người trí ca ngợi, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời các thầy Tỳ kheo, các người hãy đạt đến và an trú”.